Cân nhắc tổng thể về dự án sân bay Long Thành

Hầu hết đại biểu Quốc hội đều tán thành chủ trương cần có một cảng hàng không quốc tế (HKQT) hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn, trong bối cảnh cạnh tranh hàng không ngày càng gay gắt, cũng như tình hình kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn. Bộ Giao thông Vận tải cần làm rõ hơn nữa sự cần thiết, khả năng huy động vốn và trả nợ khi xây dựng sân bay Long Thành.

Làm rõ khả năng huy động vốn

Chiều 4/11, Thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, sân bay Tân Sân Nhất (TSN) hiện nay đã quá tải, chật trội và nhất là lại nằm lọt trong thành phố có tới 8 triệu dân. Do vậy, cần có một cảng hàng không quốc tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu chuyên trở, góp phần phát triển kinh tế của khu vực miền Nam. Tuy nhiên, đa số các đại biểu đều cho rằng, chưa có đủ thông tin về dự án sân bay Long Thành để có thể so sánh, quyết định. Có ý kiến đề nghị làm rõ tính cấp thiết, nếu chưa cấp thiết thì cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp.

Đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TXTVN


Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho biết: “Việc cần thiết xây dựng đã rõ, vì sân bay TSN đã quá tải, không thể giải phóng mặt bằng, mở rộng. Nhưng việc này được đưa ra trong lúc nợ công đã tới hạn, kinh tế đang rất khó khăn. Do vậy, cần giải thích rõ sự cần thiết của việc cần có sân bay mới, so với các phương án: mở rộng sân bay TSN, cải tạo sân bay Biên Hòa… thì phương án nào hợp lý nhất”.

Đặc biệt, theo đại biểu Kiêm: “Phải giải thích rõ tiền đầu tư từ đâu, khả năng trả nợ ra sao, giá thành đầu vào, đầu ra như thế nào. Giải trình của Chính phủ vừa qua chưa thuyết phục, ngân sách không có, huy động nhà đầu tư nước ngoài có làm được không. Không để Nhà nước đi vay hộ nhưng khi doanh nghiệp không trả được, Nhà nước phải bỏ tiền ngân sách để trả như: Vinaline, Vinashin… Vấn đề này khó nhất, giải quyết được nút này thì chúng ta làm”.

“Hiện nợ công đã đạt ngưỡng, bội chi ngân sách lớn, tỷ lệ trả nợ hàng năm cao. Do vậy, cần tính toán xem việc xây sân bay Long Thành đã cấp thiết chưa. Hơn nữa, các dự án các bộ, ngành địa phương đều cho rằng tính cấp thiết và hiệu quả nhưng khi đổ vốn đầu tư thì hiệu quả rất thấp”, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nợ công đang gay go, lúc này nguồn vốn dành cho đầu tư cho Long Thành khó khăn. Chính phủ cho rằng giai đoạn 1 sẽ không sử dụng nguồn từ ngân sách, nhưng quan điểm đề xuất cơ chế 5.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa Tổng Công ty Hàng không không phải từ nguồn ngân sách là không chính xác, đây là tiền của dân, không phải từ sau cổ phần hóa có được. Hơn nữa nợ công đang chồng chất, đã phải vay để trả nợ nên việc đầu tư không hiệu quả sẽ là gánh nặng cho nhân dân”.

Đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho rằng: “Hạ tầng giao thông chưa phát triển đúng tiềm năng, chúng ta phải xem xét việc xây dựng sân bay này trong một tổng thể, từ đường bộ, đường sắt, tới đường hàng không. Phải đánh giá lại, để ưu tiên nguồn lực nào là điều rất quan trọng hơn”.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt


Hiện nay, các quốc gia trong khu vực đều có các cảng hàng không quốc tế lớn, có tính cạnh tranh trung chuyển như: Suvarnabhumi - Thái Lan (quy hoạch 2.754 ha chỉ gồm nhà ga và đường băng, công suất 100 triệu hành khách/năm), Kuala Lumpur - Malaysia (quy hoạch 10.000 ha, công suất 100 triệu hành khách/năm), Changi - Singapore (quy hoạch 3.200 ha chỉ gồm nhà ga và đường băng, công suất 135 triệu hành khách/năm.

Do vậy, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá khả năng cạnh tranh giữa sân bay Long Thành với các cảng hàng không trung chuyển trong khu vực.

Đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho biết: “Trong khu vực xung quanh, nhiều nước có cảng hàng không trung chuyển lớn, họ xây quy mô, hiện đại hơn chúng ta. Hơn nữa, trình độ quản lý của chúng ta như thế nào để đáp ứng yêu cầu khai thác. Vì vậy, cần tính toán điều này. Cần có thêm thời gian để nghe phản biện nhiều chiều”.

“Theo báo cáo của Chính phủ, tổ chức hàng không quốc tế cho rằng, tới năm 2030, tiềm năng vận chuyển qua đường không ở Việt Nam sẽ đạt trên 50 triệu hành khách, nên quy mô dự án phải đạt 100 triệu lượt khách sau 2030. Có điểm chưa thuyết phục là chưa tính tới công suất và khả năng mở rộng của các sân bay khác trong khu vực, chưa kể tới các sân bay trong nước”, đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) nói.

“Phải chăng đến 2030 như dự báo, khi lượng khách là 50 triệu lượt khách thì sân bay TSN sẽ đóng cửa để Long Thành đạt tới quy mô này, như thế là không hợp lý. Cá nhân tôi cũng như nhiều cử tri không đồng ý việc cho rằng, khi mở cửa Long Thành sẽ đóng cửa sân bay TSN”, đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) nói thêm.

Do vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Cần nghiên cứu kỹ dự án, rất cần thiết có sân bay Long Thành nhưng quy mô thời gian cần có sự báo cáo chi tiết hơn. Nếu chuẩn bị chu đáo hơn thì sự đồng thuận sẽ cao”.

Ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội:

Áp lực nợ công lớn

Cần có sân bay hiện đại nhưng cần tính toán kỹ hơn về quy mô, vốn, tiến độ. Trước đây, một số công trình lớn không đồng thuận nhưng thành công, ngược lại một số công trình lớn đồng thuận nhưng làm thực tế có nhiều vấn đề hạn chế. Có công trình ý kiến 50 - 50 như thủy điện Sơn La, đến giờ hiệu quả hơn dự kiến ban đầu, nhanh hơn dự kiến ban đầu 2 năm. Trong khi đó, dự án thảo luận kỹ, sau khi triển khai hiệu quả không như ban đầu như: boxit Tây Nguyên, dầu khí Dung Quất. Dự án rất lớn như đường Hồ Chí Minh, rất cần thiết, đến nay hiệu quả phát huy chưa cao, mật độ vắng.

Dự án sân bay Long Thành cần giải thích được về sự cần thiết và nhu cầu của đất nước đông dân như nước ta; so sánh với các nước trong khu vực: Thái Lan, Mianma, Singapore. Cần giải thích rõ, thứ nhất là vốn. Vốn ngân sách, vay ưu đãi ODA, vốn huy động ngoài các nguồn khác, chưa có điều gì chắc chắn. Có những yếu tố trong tờ trình viết hơi “lãng mạn”, lạc quan như: xung quanh sân bay có thành phố sân bay, nên chăng tính toán lại. 


Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Bến Tre:

Không khéo trở thành sân bay đắt nhất hành tinh

Hầu hết các đại biểu đang băn khoăn là đúng, vì đây là công trình lớn. Cá nhân tôi thấy cần thiết xây dựng sân bay cho tương lại phát triển của đất nước, hơn nữa trong điều kiện sân bay Tân Sân Nhất (TSN) đã quá tải, không thể mở đường vào thành phố, độ an toàn trên không chưa đảm bảo. Đặc biệt là TSN có lẽ là sân bay duy nhất lọt thỏm trong thành phố 8 - 10 triệu dân.

Về việc chọn xây ở Long Thành, một số ý kiến cho rằng, vì có đường cao tốc, lại cách thành phố không xa, đất đai bằng phẳng. Sân bay sẽ là động lực phát triển kinh tế vùng khu vực phía Nam.

Vấn đề nợ công, sân bay sẽ đầu tư theo lộ trình tới năm 2030, chúng ta không phải bỏ ngay 18 tỷ USD ra đầu tư. Nhưng QH cần biết chi phí đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải chưa đưa ra được con số để chứng minh, so sánh với các sân bay trong khu vực. Không khéo, chúng ta làm xong lại thành sân bay đắt giá nhất hành tinh. Tổng mức đầu tư phải có sự so sánh với các sân bay có cùng điệu kiện, ở trong khu vực như: Thái Lan, Singapore… tỉ lệ hoàn vốn như thế nào.



Hữu Vinh


Bên lề QH: Tiếp tục vay, lấy gì mà trả?
Bên lề QH: Tiếp tục vay, lấy gì mà trả?

"Nên thực tế một tí, nợ công nhiều, nếu tiếp tục vay tiếp thì không biết lấy gì mà trả. Chủ trương xây sân bay Long Thành là về lâu dài. Dự án này nên tạm thời dừng, 10 đến 20 năm nữa mới nên đặt ra", đại biểu Trịnh Ngọc Thanh (Hà Nội) nêu ý kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN