Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương dự và chỉ đạo Đại hội. Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và 317 đại biểu đại diện cho gần 26.700 đảng viên trong toàn Đảng bộ dự Đại hội.
Với phương châm: “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Khát vọng - Phát triển”, Đại hội có chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh; đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030”.
Tập trung công tác xây dựng Đảng
Chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực, đổi mới tư duy, phát huy được tiềm năng, lợi thế và đạt được những thành tựu tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Điểm nổi bật là Bạc Liêu đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm với 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển nông nghiệp, hướng vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt việc nghiên cứu và sản xuất tôm theo chuỗi giá trị đạt bước tiến quan trọng, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tuy nhiên, theo đồng chí Trương Thị Mai, bên cạnh những kết quả đạt được, Bạc Liêu cần đánh giá đầy đủ và có giải pháp sát thực để khắc phục những hạn chế, yếu kém, thách thức đã nêu trong Báo cáo chính trị.
Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu cần tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên định nguyên tắc độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng; nâng cao năng lực cầm quyền, sức chiến đấu, đoàn kết, thống nhất trong Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy tính tiên phong, nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm với nhân dân của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tỉnh cần tiếp tục xác định vị trí, vai trò trong vùng Tây Nam Bộ, Tiểu vùng Nam sông Hậu, Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau, chủ động thúc đẩy liên kết vùng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện, thế mạnh của Bạc Liêu. Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, hướng mạnh vào ứng dụng công nghệ cao, gắn với đặc điểm sinh thái, thích ứng được với biến đổi khí hậu; có giải pháp chuyển sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng gắn với thị trường, từ số lượng sang chất lượng, từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hóa lớn, có tính cạnh tranh cao; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Đồng thời, tỉnh cần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.
Cùng với đó, Bạc Liêu cần gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Bạc Liêu…
Phát triển kinh tế theo 5 trụ cột
Trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân. Tỉnh huy động mọi nguồn lực, tập trung 5 trụ cột đã xác định để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Đến năm 2025, Bạc Liêu tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030; có mức GRDP/người thuộc nhóm cao của vùng; quy mô kinh tế đến năm 2020 tăng từ 2 - 2,5 lần so với năm 2020.
Đại hội xác định các nhiệm vụ trọng tâm, ba khâu đột phá phát triển kính tế - xã hội. Theo đó, Đảng bộ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Toàn Đảng bộ thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo và xây dựng mô hình nông nghiệp điển hình dựa trên các lợi thế, đặc thù của tỉnh. Tỉnh tập trung triển khai quyết liệt các dự án động lực, nhất là dự án về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và xây dựng mô hình công nghiệp sạch, điển hình dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển du lịch để thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng. Tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; tăng cường phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh).
Bạc Liêu đề ra ba đột phá là: Đẩy mạnh các dự án về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, trong đó trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí. Tập trung phát triển nguồn nhân lực như xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, bản lĩnh, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao và phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, nhất là hành không, cảng biển; hạ tầng điện, công nghệ thông tin; hạ tầng giao dục, y tế, đô thị lớn.
Một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Bạc Liêu đề ra trong nhiệm kỳ là: hằng năm đạt từ 93% trở lên tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ và kết nạp ít nhất 7.000 đảng viên mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt từ 10 - 11%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 60.000 - 65.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân 5 năm đạt 15 - 17%/năm trở lên. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 2.500 doanh nghiệp. Sản lượng thủy sản 600.000 tấn, trong đó sản lượng tôm 300.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 1.512 triệu USD. Tỉnh phấn đấu đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới, trong đó có 15/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025, đạt từ 110 - 120 triệu đồng…
Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao
Đến nay, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện đạt và vượt tất cả 20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV đề ra, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt cao, đứng vào nhóm các tỉnh khá của khu vực. Trong 13 chỉ tiêu vượt, có 5 chỉ tiêu trọng yếu đứng trong tốp 5 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao, bình quân đạt hơn 7%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 58,4 triệu đồng/người, tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 28.500 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 21,23% vượt Nghị quyết đề ra.
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, ngoài chế biến thủy sản xuất khẩu phát huy hiệu quả tốt, lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phát triển mạnh mẽ. Hiện Nhà máy Điện gió Bạc Liêu công suất 99,2 MW hoạt động ổn định, tỉnh đang thi công thêm 9 dự án điện gió, với tổng công suất 562 MW. Đặc biệt, địa phương đã thu hút được Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Đây là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của quốc gia.
Các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo tiếp tục chuyển biến tích cực, đặc biệt liên tục nhiều năm liền tỉnh có kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia nằm trong nhóm 10 địa phương đứng đầu cả nước. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được tăng cường; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, tập trung cao; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ, nhất là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
Tuy nhiên, Bạc Liêu vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém như: một số ngành, địa phương thiếu nhạy bén trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ; công tác quản lý đô thị còn bất cập, hạn chế. Việc xây dựng hạ tầng công nghệ, thông tin, chính quyền điện tử chậm triển khai. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn thấp. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế…
Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ định kỳ có nơi còn hạn chế. Một số nơi còn biểu hiện hình thức trong công tác tự phê bình và phê bình. Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn xảy ra. Vẫn còn một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo các cấp tinh thần trách nhiệm chưa cao, nói chưa đi đôi với làm, thiếu khát vọng vươn lên, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu…
Tại Đại hội, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bạc Liêu, trong sáng 15/10, các đại biểu dự đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt.
Theo chương trình, trong chiều 15 và ngày 16/10, Đại hội thảo luận về các văn kiện, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và về nhân sự; tiến hành bầu Ban Chấp hành khóa XVI.