Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Đến nay, đã có 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, đã có 17 quy hoạch trên phạm vi cả nước, 7 quy hoạch vùng, khu vực, địa bàn cụ thể. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện Đề án này, đã hoàn thành quy hoạch khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước.

Kết quả bước đầu của Đề án đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành đã tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP của ngành cũng đạt 3,49% - vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%.

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện Đề án vẫn chưa đồng bộ. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Đến nay còn 27 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt đề án hoặc kế hoạch hành động cho tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương mình.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn nhìn nhận: “Kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn chưa có chuyển biến rõ, tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Điển hình ngay trong quý I năm nay, khi thị trường biến động thì tăng trưởng ngành lập tức xuống mức thấp nhất trong quý I của 3 năm gần đây”.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định để thấy rõ được chuyển biến từ Đề án này cần có sự thay đổi và nhận thức đúng đắn từ tư duy của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định thị trường là yếu tố quan trọng. Cùng với đó phải đẩy mạnh việc tìm hiểu luật pháp, đặc biệt là các luật về thương mại cho người dân và doanh nghiệp. Trước yêu cầu của hội nhập, người dân và doanh nghiệp cần tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa về luật không chỉ luật trong nước mà cả luật của những nước đối tác.

Thống nhất về hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải triển khai mạnh mẽ việc tuyên truyền. Phạm vi triển khai chương trình phải từ cấp xã trở lên, lấy nông dân làm đối tượng chính.

Địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về sức ép cạnh tranh trong thời gian tới để có động lực phải tự liên kết để thay đổi quan hệ sản xuất.


Công tác thị trường phải được quan tâm hơn, đặc biệt là sự cạnh tranh và những cơ hội thị trường sắp tới mở ra. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao năng lực dự báo, thông tin cho người dân biết để định hướng sản xuất.

Phó Thủ tướng nhận định: “Cần đẩy mạnh chế biến sâu trong sản xuất nông nghiệp, nên tập trung vào những sản phẩm có lợi thế để tăng tỷ lệ chế biến. Chỉ có thể chế biến sâu, quy mô lớn, chúng ta mới thực sự làm chủ các sản phẩm nông sản”.


TTXVN/Tin tức

Chuyển đổi lao động khi tái cơ cấu nông nghiệp
Chuyển đổi lao động khi tái cơ cấu nông nghiệp

Mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ đơn thuần là tổ chức lại sản xuất, mà còn là giải quyết việc làm, chuyển đổi lao động trong nông nghiệp, nông thôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN