Đại sứ Thụy Sĩ: WEF là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam thể hiện các cam kết quốc tế

Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16-23/1/2024.

Nhân dịp này, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass đã trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thụy Sĩ.

Chú thích ảnh
Đại sứ  Thomas Gass. Ảnh: chinhsachcuocsong.vnanet.vn

Sắp tới Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2024 tại Davos. Là nước chủ nhà của Diễn đàn kinh tế hàng đầu thế giới, Thụy Sĩ đánh giá thế nào về việc Thủ tướng Việt Nam tham dự Diễn đàn lần này?

Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một diễn đàn quan trọng. Thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng và chúng ta cần xây dựng lại niềm tin lẫn nhau.

Cộng đồng quốc tế và nền kinh tế thế giới đã phải đối mặt với nhiều biến động trong những năm gần đây: Bạo lực ở khu vực Trung Đông, xung đột ở Ukraine, một số quốc gia thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế và Luật Nhân đạo quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thay đổi cơ cấu sâu sắc đang diễn ra về địa kinh tế (như khủng hoảng chi phí sinh hoạt, mất an ninh lương thực và năng lượng, bất ổn...), biến đổi khí hậu...

Diễn đàn WEF là nơi lãnh đạo các quốc gia và chính phủ, lãnh đạo khu vực tư nhân, đại diện cho lĩnh vực giáo dục, xã hội dân sự… cùng dành thời gian để suy ngẫm, tìm kiếm giải pháp, chịu trách nhiệm về việc thực hiện tầm nhìn chung như Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), Thỏa thuận Khí hậu Paris, đồng thời khuyến khích những nhà tiên phong và người đi đầu thực hiện các sáng kiến tích cực. Chúng ta rất cần tái cam kết với chủ nghĩa đa phương và pháp quyền quốc tế; cần thiết lập và nâng cấp các nền tảng mới để đối thoại, xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn.

Thật ý nghĩa khi Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham gia tích cực vào sự kiện này. Tại một sự kiện WEF diễn ra tại Trung Quốc vào tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra lời nhắc rằng, trước các "làn gió ngược", cộng đồng quốc tế cần "có sự đoàn kết toàn cầu và chủ nghĩa đa phương cũng như cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm".

Nhà lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin phát biểu tại sự kiện lần này, vì Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu và xứng đáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ổn định và hợp tác khu vực; tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới, trong đó có Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Việt Nam đã thực hiện một số bước tiến quan trọng để giảm lượng khí thải carbon, với cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam đang nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu thông qua triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện biện pháp bảo vệ cộng đồng dễ bị tổn thương.

Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện an ninh năng lượng bằng cách đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Diễn đàn năm nay sẽ mang đến cho Việt Nam một cơ hội tuyệt vời để thể hiện cam kết với các giải pháp cụ thể và giành được sự ủng hộ của cộng đồng các nhà đầu tư cho những nỗ lực của mình.

Đại sứ đánh giá thế nào về việc Việt Nam thực hiện Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Việt Nam và WEF giai đoạn 2023-2026?

Với việc ký kết Biên bản ghi nhớ, Việt Nam có triển vọng tiếp cận các nguồn lực và chuyên môn quốc tế cũng như tham gia vào các chương trình toàn cầu của WEF.

Các nhà đầu tư thường chỉ ra rằng, nền kinh tế cần có một ý chí mạnh mẽ và một quyết tâm cao để duy trì thực hiện cam kết phát triển bền vững, tiếp tục cắt giảm, thúc đẩy thủ tục hành chính theo hướng nhanh, minh bạch hơn, cải thiện giáo dục thực chất, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nền kinh tế số... Tôi thấy rõ các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực giải quyết những thách thức này, bằng chứng là dòng vốn FDI ngày càng tăng, nhưng Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực cải thiện các điều kiện để duy trì lợi thế so với các đối thủ.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp với WEF để thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh  nhằm giải quyết các vấn đề về kinh tế tuần hoàn và số hóa.

Năm nay, Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ kỷ niệm 53 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin ông chia sẻ về những thành tựu trong quan hệ song phương thời gian qua và tầm quan trọng của việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự WEF đối với mối quan hệ song phương này?

Thụy Sĩ và Việt Nam có một mối quan hệ truyền thống, nồng ấm và ngày càng sâu sắc. Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1971 (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Quan hệ hai nước đã có những bước phát triển rất năng động, với trọng tâm dần chuyển từ hợp tác phát triển kinh tế sang giao thương, đặc biệt là giữa khu vực kinh tế tư nhân hiện đang phát triển mạnh mẽ.

Thụy Sĩ hoan nghênh những tiến triển tích cực trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA) và Việt Nam. Khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ tạo ra một khuôn khổ thuận lợi, mở đường cho tăng cường đầu tư trực tiếp của Thụy Sĩ vào Việt Nam, thúc đẩy thương mại song phương.

Chính sách đối ngoại và môi trường kinh tế của Việt Nam rất năng động. Rất nhiều quốc gia đang mong chờ nâng cấp quan hệ đối tác với Việt Nam và tôi đặc biệt mong muốn mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ được nâng cấp trong thời gian tới. Tôi hiện đang dành toàn bộ tâm huyết và nỗ lực cho vấn đề này.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Thụy Sĩ sang Việt Nam gồm dược phẩm, hóa chất, máy móc và cơ khí chính xác, còn mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Sĩ là các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, giày dép, dệt may và thủy, hải sản.

Từ năm 2008, hợp tác phát triển kinh tế giữa Thụy Sĩ và Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực như cải thiện tài chính công, nâng cao năng lực cho khu vực tài chính, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy hoạch đô thị, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các dự án thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Trong lĩnh vực hợp tác học thuật, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sĩ có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ thông qua việc hỗ trợ các dự án nghiên cứu chung giữa hai nước. Hai bên vừa chính thức thông báo đợt tiếp nhận hồ sơ đăng ký đề tài lần thứ 2 thuộc Chương trình tài trợ song phương dành cho các nhà nghiên cứu hai nước ở tất cả các lĩnh vực khoa học khác nhau, với tổng mức tài trợ của Thụy Sĩ là 4 triệu Franc Thụy Sĩ (CHF - gần 115 tỷ đồng) và của Việt Nam là 25 tỷ đồng.

Nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Thụy Sĩ đã sang thăm Việt Nam những năm qua. Gần đây nhất là tháng 6/2023, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Thụy Sĩ Martin Candinas đã tới thăm chính thức Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên là cơ hội cho các cuộc gặp cấp cao giữa chính quyền hai nước và sự quan tâm của hai bên được thể hiện qua các cuộc gặp thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước bên lề Diễn đàn...

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Việt Đức/TTXVN (thực hiện)
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: WEF 2024 - Cơ hội để Việt Nam chia sẻ tầm nhìn với thế giới
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai: WEF 2024 - Cơ hội để Việt Nam chia sẻ tầm nhìn với thế giới

Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 54) ở thành phố Davos (Thụy Sĩ) trong các ngày 16 - 18/1, phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, về nội dung và ý nghĩa của sự kiện này, cũng như những đóng góp của đoàn Việt Nam tại hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN