Trước hội nghị thường niên tại thành phố Davos của Thụy Sỹ, WEF đã công bố "Báo cáo Rủi ro toàn cầu 2024", trong đó cảnh báo tin giả hay tin gây hiểu lầm là những rủi ro ngắn hạn lớn nhất, trong khi thời tiết khắc nghiệt và trật tự toàn cầu bất ổn do sự phân cực và mất an ninh là mối lo ngại lâu dài lớn nhất.
Báo cáo cũng cho biết những năm tới sẽ được đánh dấu bằng bất ổn kinh tế dai dẳng và chia rẽ về kinh tế với công nghệ ngày càng gia tăng. Và trong cuộc phỏng vấn, bà Saadia Zahidi cho biết thêm: “Nếu chúng ta nhìn vào khung thời gian hai năm, 30% trong số những người được hỏi tin rằng loài người đang đối diện với các nguy cơ thảm khốc. Khi nhắc đến khung thời gian 10 năm, gần 2/3 số người tin vào các rủi ro đó sẽ trở thành hiện thực”.
Khi được hỏi về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc, bà Zahidi đánh giá: “Không chắc chắn là từ khóa đối với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Điểm tích cực khi Trung Quốc là một trong số rất ít nền kinh tế lớn trên thế giới không phải vật lộn với lạm phát, không phải vật lộn với lãi suất quá cao hiện nay.
Các biện pháp mà Trung Quốc thực hiện đang phát huy tác dụng và bắt đầu đơm hoa kết trái, cho dù đó là tập trung hơn vào lĩnh vực sản xuất, cho dù đó là tập trung hơn vào công nghệ xanh, cho dù đó là đảm bảo rằng thương mại sẽ hồi sinh. Trung Quốc là một trong những nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, và do đó sức khỏe của nền kinh tế này sẽ có tác động lan tỏa tích cực đến phần còn lại của thế giới”.
Nhắc tới mối quan hệ lâu dài giữa WEF với Trung Quốc, Giám đốc điều hành Zahidi nhận định thêm: “Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp tác công-tư hơn ở Trung Quốc. Chúng tôi đã có rất nhiều dự án hợp tác về thiên nhiên, khí hậu cũng như về hệ thống tài chính và tiền tệ, và chúng tôi hy vọng có thể làm được nhiều hơn thế nữa”.
Từ ngày 15-19/1, hội nghị lần thứ 54 của WEF sẽ được tổ chức ở thành phố Davos với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”. Hơn 300 đại biểu cấp cao sẽ tham dự hội nghị năm nay, trong đó có hơn 60 nguyên thủ quốc gia.