Đa dạng hóa thông tin có định hướng

LTS: Nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN là một trong những người khai sinh ra tờ báo Tuần Tin Tức và Tin tức buổi chiều, tiền thân của Báo Tin tức.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ra số báo Tuần Tin Tức đầu tiên (14/5/1983 – 14/5/2013), nhà báo Đỗ Phượng có bài viết về hoàn cảnh ra đời của tờ Tuần Tin Tức cũng như những tư duy “mở đường” của Ban lãnh đạo cơ quan TTXVN khi đó, về việc xuất bản một ấn phẩm gánh trọng trách thông tin trực tiếp tới người dân, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và còn nhiều ràng buộc bởi cơ chế cũ.

 

Bài 1: Những bước “thăm dò”…

 

Mới hơn ba chục năm mà tưởng như xa xôi lắm. Phải đặt mình vào những năm tháng ấy mới chừng nào cảm thông được nguồn gốc của tư duy thời đại. Một đất nước nghèo, một dân tộc lạc hậu gồng mình trong ba mươi năm chiến tranh (mà thực chất là trên bốn mươi năm chiến tranh bởi còn hơn chục năm chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc).

 

Nhà báo lão thành Đỗ Phượng.

Ít người hiểu rằng khi vào những năm chót của cuộc chiến tranh chống Mỹ, nguồn viện trợ trang bị vũ khí lương thực và tài chính giảm tới mức gần tới số 0. Cho nên sau ngày 30/4/1975 lịch sử, dẫu tư tưởng chỉ đạo không được say sưa với chiến thắng để dốc sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và xây dựng đất nước. Lẽ ra khi nói không say sưa với chiến thắng nghĩa là phải bình tâm xem xét đời sống chính trị, kinh tế, xã hội để xác định đường lối chiến lược cho phù hợp nhưng vầng hào quang chiến thắng đã dẫn đến bệnh duy ý chí áp dụng máy móc những đường lối chính sách đã tạo ra sức mạnh cho thời chiến từ miền Bắc phổ cập ra trong cả nước. Nằm giữa châu thổ sông Cửu Long màu mỡ mà phải ăn trộn bo bo đành rằng người dân Việt bao dung sẵn sàng đem hàng ngàn tấn gạo trắng giúp nước bạn Campuchia trụ vững sau khi xóa nạn diệt chủng. Nhưng để Sài Gòn đã được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh chịu cơ cực và thiếu thốn là điều khó chấp nhận.

 

Từ Phnôm Pênh về Sài Gòn, anh em yêu cầu cần phải ra báo cáo với cấp cao. Ra Hà Nội, Đống Ngạc cảm thông đưa ngay lên gặp anh Ba Lê Duẩn. Anh Ba hỏi nhiều về tình hình Campuchia nhưng mới nói được vài câu về những khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam thì anh đã ngắt lời và nói luôn: Trung ương đã biết cả rồi và lúc này đây không chỉ các bộ trưởng mà Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng đều vào để tìm cách giải quyết tình hình. Rồi anh nói chậm rãi: Khó lắm. Chừng nào chưa sản xuất nổi hăm mốt triệu tấn gạo, nửa triệu hécta cao su và vài chục vạn tấn cá thì chừng đó còn khó khăn. Vậy đấy, người lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc đó chỉ dám đặt ra nguyện vọng hăm mốt triệu tấn gạo và nửa triệu hécta cao su. Lúc chào anh ra về, anh đứng dậy vỗ vai thay cho cái bắt tay và nói thêm: Ngay những năm chiến tranh ác liệt cũng chưa bao giờ dự trữ ngoại tệ mỏng đến mức không mua nổi một tháng lương thực. Bây giờ dự trữ hàng chục tỷ đô la vẫn còn thấy mỏng, vậy mà cuối những năm 70 đầu những năm 80 dự trữ ngoại tệ chỉ tính bằng con số chục triệu.


Tối về số 5 Lý Thường Kiệt kể lại với anh Đào Tùng. Cùng nhau bàn bạc một lúc về tình hình chung đất nước. Như thói quen thường thấy, Đào Tùng bỗng sôi nổi: Ta phải bứt ra trong khó khăn chung đó. Mấy năm nay ta đã phát triển mạnh tờ báo ảnh, tiếng Nga in ở Mátxcơva, tiếng Tây Ban Nha in ở La Habana, số lượng phát hành ngày càng tăng, nhà in ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã định hình. Ta thử nghĩ xem trong tình hình xã hội hiện nay chúng ta có tìm ra được cách gì đưa thông tin rộng rãi đến nhân dân không. Chưa kịp bàn bạc gì thêm thì trưởng phòng thư ký Xuân Ổn đã chạy vào hỏi: Hai anh cùng đi Campuchia một đợt hay đoàn anh Đào Tùng đi sau.

 

Chợt nhớ đến kế hoạch đoàn Thông tấn xã Việt Nam thăm chính thức Campuchia phải nói với Xuân Ổn: Đoàn đi thăm chính thức thì phải đi sau cho đường hoàng. Bọn mình cũng cần phải chuẩn bị đón. Xuân Ổn ra ngoài, Đào Tùng lại tiếp tục mạch suy nghĩ của mình: Năm 79, Trung ương đã có chút gợi mở tìm cách xoay chuyển tình hình và thực tế đang manh nha những hiện tượng xé rào cả trong Nam ngoài Bắc. Thông tin phải đi trước một bước nhưng những thông tin có chút gai góc trên bản tin trong nước và tin thế giới không được báo nào dùng, kể cả đài phát thanh cũng không đọc. Mấy bài trên báo ảnh được báo địa phương đăng lại đều bị phê bình. Còn nhớ những năm chiến tranh, khi lúa xuân mang đến mùa bội thu cho bốn năm tỉnh, ta mời anh Lê Thanh Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đi thị sát và phát biểu những lời cổ vũ. Bản tin trong nước phát tin mà cả báo Nhân dân, Quân đội nhân dân và Đài Phát thanh đều không phát lại. Ta phải tính cách nào thông tin của Thông tấn xã tiếp cận được cán bộ và nhân dân không qua khâu trung gian mới có thể thực hiện thông tin đi trước một bước. Đào Tùng đứng dậy: Phải tìm ra cách thôi. Cần bố trí thời gian ở Phnôm Pênh cùng nhau bàn, tìm cách gỡ.


Đúng buổi tối cuối cùng của chuyến thăm của Đào Tùng với tư cách là thượng khách của nhà nước Campuchia, chúng tôi đã quyết định mở màn bằng Espana 82.


Espana 82 tuy thời gian không dài nhưng đã tạo ra một diện mạo thông tin mới. Người dân Việt Nam cả hai miền Nam Bắc không hiểu từ nguồn cớ nào mà say mê bóng đá đến kỳ lạ. Mọi khó khăn trong cuộc sống và những lo lắng âm ỉ trong xã hội hầu như đều được gác lại. Dẫu đã huy động mọi khả năng về nguồn giấy được Nhà nước cấp để in tin, mua lại cả nguồn giấy dôi dư của khách hàng ở nhà in và anh Khánh vốn thông thạo Sài Gòn đã chạy đôn đáo đi xin và mua lại với giá cao vẫn không đủ để in bản tin bóng đá với số lượng ngày sau cao gấp nhiều lần ngày trước. Với giá bán có lãi và lượng phát hành lớn, Espana 82 đem lại nguồn thu với thời đó là ngoài sức tưởng tượng.

 

Nhưng đối với lãnh đạo Thông tấn xã, lớn hơn cả chính lại là mở ra con đường lần đầu tiên trực tiếp thông tin đến quần chúng không qua khâu trung gian. Chỉ có điều thời điểm đó hàng tuần đều có giao ban tổng đoàn chuyên gia Việt Nam tại T78 Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ. Không dưới bốn lần phải giải trình với ông Sáu Thọ về việc Espana xuất bản không có giấy phép, về nguồn tiền thu được và việc sử dụng nguồn tiền đó, cả việc bỏ tiền mặt mua những máy in tipô của các chủ nhà in cất giấu khi tiến hành cải tạo. Cũng may dẫu có lời phê phán gay gắt nhưng chỉ phải giải trình mà không phải chịu hình thức kỷ luật nào.


Chiều thứ bảy (không còn nhớ ngày tháng), đang ngồi suy nghĩ xem sau thành công ở Espana 82 có thể làm gì như đã bàn bạc với Đào Tùng về phương thức thông tin trực tiếp từ Thông tấn xã đến nhân dân thì anh Phạm Chung đi bộ từ T78 sang. Phạm Chung là Phó văn phòng Trung ương Đảng hầu như thường trực ở T78, tuổi chưa cao nhưng tóc anh cũng bạc trắng như tóc Đào Tùng. Đã nhiều năm, Phạm Chung gần gũi và cảm thông với Thông tấn xã và ít nhất đã một lần anh giúp qua cơn thịnh nộ của anh Sáu Thọ bằng cách bay ra Hà Nội cùng Đào Tùng đón tôi ở sân bay Nội Bài từ La Habana và Mátxcơva trở về sau khi kí kết việc in báo ảnh ở nước ngoài theo thỏa thuận giữa ba Đảng.

 

Các anh đã chuẩn bị sẵn vé bay thẳng từ Nội Bài vào Thành phố Hồ Chí Minh. Phạm Chung nói: Hai lần giao ban tổng đoàn anh đều không có mặt, lần nào anh Sáu cũng hỏi với thái độ giận dữ vì rời Phnôm Pênh đi nước ngoài mà không báo cáo. Hôm nay Phạm Chung sang không biết lại có chuyện gì nữa đây. Nhưng nhìn thái độ tươi cười của Phạm Chung cảm thấy nhẹ nhõm. Anh nói chậm rãi: Ảnh hưởng của Espana 82 rất tốt đối với dư luận và góp phần ổn định không khí xã hội nên anh Sáu đã bỏ qua lời đề nghị thi hành kỷ luật Thông tấn xã nhưng nếu các anh muốn làm tới thì phải cẩn thận. Chỉ có anh Ba (Lê Duẩn) nói ông Sáu mới chịu nghe. Anh đã làm việc với anh Ba nhiều năm nay nhân lúc đã bàn giao trưởng đoàn chuyên gia Thông tấn xã cho Trần Hữu Năng rồi, nếu muốn làm gì tiếp thì phải ra gặp anh Ba.


Gặp Đống Ngạc ở Hà Nội. Không khí khác hẳn với T78. Đống Ngạc tươi cười: Các cụ đều khen Thông tấn xã ra tin Espana 82 tạo ra một không khí mới trong dư luận xã hội. Được dịp đề nghị ngay với Đống Ngạc xin gặp anh Ba. Đống Ngạc vui vẻ: Vậy thì cuối chiều nay lên thẳng hồ Tây, các cụ đang họp trên đó.

 

Đỗ Phượng

Bài 2: Bản lĩnh làm nên vị thế

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN