Kỳ họp thứ 7, Quốc hội XV:

Cử tri đề nghị có quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 của cả nước cho thấy, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách được chú trọng, nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm... Đây là nhận định chung của cử tri thành phố Hải Phòng qua theo dõi phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 29/5.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp sáng 29/5. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo nhà văn Đặng Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, những tháng đầu năm 2024, trước bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, giá vàng, ngoại tệ tăng bất thường, thị trường bất động sản lắng xuống, Quốc hội, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Nhiều giải pháp được triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao... Điều đó khẳng định chính sách quản lý, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

Thành phố Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng cũng là một điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quý I/2024, Hải Phòng đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng GRDP (đạt 9,32%, gấp 1,6 lần mức tăng bình quân chung cả nước); thu ngân sách nội địa đạt trên 18.900 tỷ đồng, đạt 50% dự toán Trung ương giao; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7,74 tỷ USD, tăng trên 18% so với cùng kỳ năm 2023... Kết quả này chứng minh thành phố đã có những sáng tạo đột phá trong chỉ đạo, điều hành và đi đúng định hướng của Trung ương.

Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm 2024 dự báo tình hình chính trị, kinh tế một số nước trên thế giới tiếp tục phức tạp ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống người dân. Theo đó, cử tri đề nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những cơ chế, chính sách linh hoạt trong điều hành, phù hợp với tình hình thực tế; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đề cập đến quyền lợi của người lao động, ông Phạm Ngọc Tuyền, nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ, những năm qua, giai cấp công nhân đã không ngừng lớn mạnh và luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Nhiều chế độ, chính sách đã được ban hành giúp đời sống công nhân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Mức lương tối thiểu đã liên tục được điều chỉnh hàng năm để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không có đơn hàng để sản xuất. Trên địa bàn thành phố có doanh nghiệp phải cắt giảm 50% số lao động trong vòng một năm. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến việc làm, đời sống của người lao động. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu vùng tuy đã tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của công nhân. Hiện nay, mức lương tối thiểu ở vùng 1 là 4.680.000 đồng dự kiến từ 1/7/2024 sẽ tăng thêm 6% là 4.960.000 đồng. Qua nắm bắt tình hình thực tế, công nhân làm 8 tiếng trong ngày được đa số các doanh nghiệp trả lương bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu vài trăm nghìn đồng. Do đó, cử tri mong muốn, Quốc hội có những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động trong giai đoạn khó khăn này.

Quan tâm đến lĩnh vực môi trường, ông Phạm Quang Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Ngày 10/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP để hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2022. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các quy định của Luật tại các địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như liên quan đến thủ tục hành chính về môi trường thực hiện các dự án, nhiều chủ đầu tư cho rằng, một số điều khoản của Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 và các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, phạm vi áp dụng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Theo quy định, các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải lập ĐTM (Đánh giá tác động môi trường). Như vậy, các dự án được miễn đăng ký môi trường theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nhưng nếu có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì vẫn phải lập Đánh giá tác động môi trường. Thực tế, một số dự án có quy mô nhỏ sử dụng rất ít đất trồng lúa, tác động ảnh hưởng không lớn đến môi trường nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục này. Điều này gây nhiều khó khăn, kéo dài thời gian triển khai dự án tại các địa phương.

Cử tri đề nghị, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó cần quy định cụ thể đối tượng, các tiêu chí xác định quy mô, yếu tố nhạy cảm về môi trường cần thiết phải lập Đánh giá tác động môi trường. Với các dự án quy mô nhỏ, thu hồi ít đất trồng lúa, tác động ảnh hưởng không lớn đến môi trường không cần thiết phải thực hiện thủ tục này, nhưng yêu cầu có Giấy phép môi trường để đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Giải ngân vốn ngân sách trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp
Giải ngân vốn ngân sách trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp

Còn lãng phí trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia - đây là ý kiến được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận sáng 29/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN