Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Malaysia, Tiến sỹ Wan Azizah; 7 Bộ trưởng và 2 Thứ trưởng của các nước thành viên ASEAN; lãnh đạo và đại diện các cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, phụ nữ và trẻ em; đại diện các bộ, ban ngành có liên quan tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ vinh dự được nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần 3 giai đoạn 2018-2021 từ Bộ trưởng Philippines Rhodora T.Masilang Bucoy, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần thứ 2, giai đoạn 2015-2018; cảm ơn Philippines trong 3 năm trên cương vị Chủ tịch đã cùng các nước ASEAN nỗ lực nhằm hiện thực hóa các tuyên bố và cam kết chính trị của các lãnh đạo ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển cũng như xóa bỏ bạo lực cho phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để hướng tới một cộng đồng phát triển bền vững, tự cường và năng động như Tầm nhìn của ASEAN đến năm 2025, một nhiệm vụ trọng tâm mà ASEAN cần phối hợp đó là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo tiếp cận đồng đều các cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em gái.
Đây là tiền đề cho sự tiến bộ và bình đẳng trong khu vực. Nếu không thực hiện được nhiệm vụ này, dù tăng trưởng kinh tế cao bao nhiêu cũng không mang lại ý nghĩa về sự tiến bộ đối với mỗi quốc gia thành viên ASEAN nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN lần 3 giai đoạn 2018-2021 cũng là lúc khối ASEAN kết thúc Kế hoạch công tác về phụ nữ giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị xây dựng Kế hoạch trong ba năm tiếp theo.
Bộ trưởng mong muốn các Bộ trưởng và Trưởng đoàn sẽ chia sẻ các thông điệp, các quan điểm về những vấn đề ưu tiên cần chú trọng trong thời gian tới để làm định hướng cho hợp tác ASEAN ngày càng chặt chẽ và gắn kết.
“Chúng ta hãy cùng nắm tay xây dựng một tương lai tốt đẹp cho hơn một nửa dân số là những phụ nữ và trẻ em gái của ASEAN, vì một Cộng đồng của cơ hội và bình đẳng, vì một ASEAN không có ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Chia sẻ về những kết quả trong giai đoạn 2015-2018 của Hội nghị AMMW-2, Chủ tịch Ủy ban Phillippnes về phụ nữ, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN giai đoạn 2015-2018, Tiến sỹ Rhodora T.Masilang Bucoy cho biết, trong ba năm qua, Philippines đã đóng vai trò là người điều phối thực hiện 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, hướng tới 17 Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 5 là về Bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái đến năm 2030.
Tiến sỹ Rhodora T.Masilang Bucoy ghi nhận bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề xuyên suốt để có thể đạt được những mục tiêu khác như xóa đói giảm nghèo trong khu vực, phổ cập giáo dục và tiếp cận y tế, đảm bảo môi trường và hòa bình cho khu vực.
Các bộ trưởng ASEAN đã thực hiện trách nhiệm hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 cũng như cam kết trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, Tầm nhìn ASEAN 2025 nhằm đảm bảo cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em gái, những nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Với vai trò Chủ tịch Hội nghị AMMW-2, Tiến sỹ Rhodora T.Masilang Bucoy mong muốn tiếp tục truyền tinh thần đoàn kết, hợp tác của các nước ASEAN tới Chủ tịch AMMW-3, từ đó có thể đạt được Tầm nhìn ASEAN năm 2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta không thể trở thành Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo, phát triển bền vững nếu thiếu sự tham gia quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái. Để làm được điều này, mỗi người phụ nữ, mỗi trẻ em gái đều phải có quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội, được học hành, được phát triển, được bảo vệ và được thực hiện những quyền năng chính đáng của mình”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hợp tác trong Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, với cơ chế Hội nghị Bộ trưởng phụ nữ ASEAN đóng vai trò quan trọng. Theo đó, trong ASEAN, kể từ năm 1967 đến nay, phụ nữ ASEAN đã có những cống hiến rất tích cực vào tăng trưởng và thịnh vượng của các nước thành viên.
Về y tế, tuổi thọ của phụ nữ đã tăng lên đáng kể, với tỉ lệ nữ trong độ tuổi từ 60-64 đã tăng 3,7% năm 2015, tỉ lệ sinh sớm của phụ nữ trong độ tuổi 15-19 ở khu vực đã giảm từ 77% xuống 37%. Các cơ hội giáo dục được mở rộng.
Tỉ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội tại nhiều quốc gia ASEAN đã đạt mức trên 20%. Số lượng phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đã tăng đáng kể gần đây. Nhiều phụ nữ là chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên khu vực vào các chương trình, đề án ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái.
Hàng năm, Chính phủ dành khoảng 2,6% tổng GDP cho các chính sách, chương trình về trợ giúp xã hội, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái. Điểm nổi bật là nỗ lực thực hiện Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.
Phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam đạt 70,7% năm 2017. Tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp tăng, có tới 98% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Tỉ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV (2016-2021) đạt 27,1%, mức cao ở khu vực và thế giới. Tỉ lệ nữ tham gia bảo hiểm xã hội chiếm gần 50% trong tổng số người tham gia. Tỷ lệ phụ nữ là những nhà nghiên cứu khoa học, chủ các đề án, đề tài cấp bộ, cấp nhà nước tăng lên rõ rệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu nên trên, có một thực tế là dù phụ nữ chiếm 45% lực lượng lao động ở khu vực Đông Nam Á, với dân số hơn 640 triệu người và quy mô GDP hàng năm tăng khá đồng đều, nhưng mức thu nhập của phụ nữ trong khu vực nói chung vẫn thấp hơn nam giới làm cùng một công việc, chênh lệch trung bình lên tới 25% ở một số quốc gia.
Theo báo cáo của Tổ chức phụ nữ Liên hợp quốc (UNWomen), nền kinh tế ASEAN đã tăng trưởng mỗi năm ở mức 5% trong thập kỷ vừa qua và dự kiến sẽ tăng thêm 30% trong giai đoạn 2013-2025 nhưng phụ nữ chỉ đóng góp vào 11% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN. “Những vấn đề này thúc giục chúng ta phải chung tay hành động và có các giải pháp hiệu quả để nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời đại mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị 3 nội dung hợp tác của ASEAN trong thời gian tới về vấn đề phụ nữ và trẻ em gái. Đó là, đào tạo và tăng cường các kỹ năng mới cho phụ nữ, hình thành mạng lưới học tập suốt đời tại ASEAN, phù hợp với sự biến đổi liên tục của nghề nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với đó, đảm bảo việc làm bền vững cho tất cả mọi người, chấm dứt mọi rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các nguồn lực, việc làm. Đồng thời, tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua việc hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng độ bao phủ tới mọi đối tượng, bao gồm khu vực phi chính thức và người lao động di cư.
Hội nghị AMMW-3 diễn ra từ ngày 18-25/10 tại Hà Nội, trong bối cảnh các cam kết, ưu tiên của ASEAN trong lĩnh vực an sinh xã hội, phụ nữ và bình đẳng giới ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh. Mặc dù vậy, trong ASEAN hiện nay, nhiều chính sách vấn còn tồn tại bất cập, khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội.
Tỷ lệ phụ nữ làm việc tại khu vực phi chính thức còn cao, thu nhập thấp hơn nam giới… Vì vậy tăng cường hơn nữa an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái cần được coi là một trong những ưu tiên cần nhấn mạnh trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về phụ nữ trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, định kiến giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, dẫn tới việc phụ nữ bị hạn chế tham gia vào thị trường lao động, bị trả công thấp, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức và thiếu cơ hội được tiếp cận hệ thống an sinh xã hội.
Do vậy, các chính sách và chương trình an sinh xã hội cần phải được xem xét các yếu tố về giới, kể cả vấn đề các dịch vụ xã hội dành cho đối tượng đặc thù như nạn nhân của bạo lực tình dục, buôn bán người.
Cùng với đó, bối cảnh tốc độ già hóa dân số khu vực ngày càng nhanh, với số lượng phụ nữ sống thọ hơn nam giới, phụ nữ già cô đơn không nơi nương tựa cần sự trợ giúp, những vấn đề về an sinh xã hội cho phụ nữ cao tuổi, cũng là những nội dung được các nước thành viên ASEAN chú trọng.