Xây dựng Đảng dựa vào nhân dân
Liên quan đến những điểm mới về công tác xây dựng Đảng trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong công tác xây dựng Đảng, chúng ta nhấn mạnh công tác cán bộ là then chốt, xây dựng Đảng toàn diện về mọi mặt, cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác xây dựng Đảng gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, công tác dân vận.
"Chúng ta xây dựng Đảng dựa vào nhân dân, đó là điểm rất mới của văn kiện lần này", ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Theo ông, các nội dung này là kết quả tổng kết thực tế công tác xây dựng Đảng thời gian qua. Xây dựng Đảng về tư tưởng, đó là kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng và thường xuyên phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Văn kiện nhấn mạnh xây dựng Đảng về chính trị, điều này cho thấy sự đồng bộ trong đổi mới chính trị gắn liền với sắp xếp, bố trí cán bộ, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu lãnh đạo Đảng và tăng cường vai trò của các cơ quan Đảng.
"Rất nhiều nội dung mới, nhưng phải đồng bộ về công tác tổ chức sắp xếp bộ máy thế nào cho tinh gọn, hiệu quả trong từng lực lượng, từng tổ chức, từng cơ quan, đơn vị và đặc biệt là công tác cán bộ, 5 khâu của công tác cán bộ phải chú ý, trong đó chú ý nhất là vấn đề đánh giá cán bộ. Tới đây, Trung ương sẽ cụ thể hóa nội dung này bằng việc phải có được cơ chế để vừa khuyến khích, vừa bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và dám chịu trách nhiệm về các hành động. Điều này rất mới. Nếu không có một cơ chế như vậy, chúng ta sẽ không khuyến khích được đổi mới sáng tạo theo tinh thần mới của văn kiện lần này”, theo ông Nguyễn Xuân Thắng.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, cơ quan có trách nhiệm đã thu thập được 1.400 góp ý vào các văn kiện đại hội của đại biểu đảng bộ các tỉnh, thành, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân cả nước, trong đó có 80 báo cáo kiến nghị rất bài bản. Các ý kiến đều thống nhất rất cao từ chủ đề, đánh giá, bài học, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu định hướng, nội dung cũng như đột phá chiến lược... Nhiều ý kiến góp ý để cụ thể hóa, biến nội dung đó trở thành hiện thực. Trung ương cũng thảo luận rất kỹ và tiếp thu. Ví dụ, lĩnh vực nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng đây là lĩnh vực quan trọng, phải coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế và điều này đã được tiếp thu vào trong văn kiện. Tinh thần là tiếp thu nghiêm túc, cân nhắc kỹ lưỡng, tôn trọng ý kiến đóng góp của đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lần này là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có cả đồng bào ta ở nước ngoài. Sự tiếp thu những ý kiến đóng góp đã thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII là những vấn đề rất cụ thể.
Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn
Giải đáp về vấn đề lựa chọn nhân sự Đại hội khóa XIII, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, công tác nhân sự Ban Chấp hành khóa XIII có vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành các Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy có liên quan đến cán bộ, Nghị quyết Trung ương 7 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các Quy định 105 về phân cấp quản lý, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định 214 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định 126 về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng. Cùng với đó, tổng kết công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược từ năm 2016-2021, trên cơ sở đó xây dựng Kế hoạch 11 về quy hoạch cán bộ. Việc quy hoạch này gắn với đào tạo. Sau khi quy hoạch xong, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 5 lớp đào tạo cán bộ quy hoạch.
Việc tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tiến hành, trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 75 về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành khóa XIII.
“Có thể thấy công tác chuẩn bị đã được Trung ương, Bộ Chính trị quan tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ. Công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương lần này được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao, đồng thời tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu, làm một cách thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó”, ông Mai Văn Chính nói.
Ông Mai Văn Chính cũng cho hay, trong công tác nhân sự, đã thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, giữa tính phổ biến và tính đặc thù, giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển, trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, đảm bảo phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Công tác nhân sự kỳ này làm rất chặt chẽ, qua thẩm định rất nhiều cơ quan có liên quan. Trong phương hướng cũng nêu rõ, kiên quyết không để lọt những người không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương, nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng, trong nhân dân.
Về quy trình công tác nhân sự, điểm mới lần này là tiến hành 5 bước (nhiệm kỳ trước tiến hành 3 bước), chặt chẽ hơn, dân chủ hơn, thông qua các cấp ủy thảo luận trên nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời cụ thể hóa cho cả tái cử lần đầu tham gia theo từng nhóm đối tượng chức danh. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã chuẩn bị bảo đảm chất lượng, có số lượng, cơ cấu hợp lý, kế thừa ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ. Trên cơ sở đó, từ Hội nghị Trung ương 13, 14, 15, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách đề cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về cơ cấu, dự kiến Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 200 đồng chí, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương cần có 3 độ tuổi: dưới 50, từ 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên; phấn đấu dưới 50 tuổi chiếm từ 15 - 20%; từ 50 - 60 tuổi khoảng 70% và 61 tuổi trở lên trên dưới 10%. Ban Chấp hành Trung ương cũng quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Cán bộ trẻ khoảng 10%, nữ khoảng 12%... Phương hướng đặt ra là như vậy, còn thực tế đạt được thế nào phải chờ Đại hội.
Về trường hợp đặc biệt giới thiệu đề cử Ban Chấp hành Trung ương, theo ông Mai Văn Chính, xuất phát từ tình hình thực tiễn, căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là tiêu chí tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn trong Đảng và trong nhân dân, yêu cầu đòi hỏi các vị trí đặc biệt quan trọng, lĩnh vực trọng yếu là các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể theo quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan và đã thống nhất cao chọn một số đồng chí thuộc trường hợp đặc biệt, cả nhân sự tái ứng cử và nhân sự giới thiệu lần đầu để trình Đại hội XIII xem xét, quyết định.
Về việc Đại hội lần này có sửa đổi Điều lệ Đảng hay không, ông Mai Văn Chính cho biết, việc này do Đại hội xem xét quyết định.
Thông tin thêm về công tác nhân sự, ông Võ Văn Thưởng cho hay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị bài bản, thận trọng, chặt chẽ, khoa học, dân chủ, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó và đạt sự thống nhất cao trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
"Chúng tôi kế thừa những kinh nghiệm quý báu và cách làm hiệu quả của các kỳ đại hội trước, đồng thời bổ sung thêm một số biện pháp phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay. Phải nói rằng, đến giờ này chúng tôi chuẩn bị khá chu đáo. Tôi lấy một ví dụ về quy trình, lần này Trung ương chuẩn bị cho các đối tượng rất chặt chẽ. Chẳng hạn như đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương làm trước, tái cử làm trước, ứng cử lần đầu làm sau, sau đó mới tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng tái cử làm trước, ứng cử lần đầu làm sau, sau đó mới tới lãnh đạo chủ chốt, có trường hợp đặc biệt...", Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định.