Sự kiện được tổ chức ngay sau các cuộc hội đàm, hội kiến rất thành công của Chủ tịch Quốc hội với các nhà lãnh đạo Bulgaria, thu hút sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước.
Cùng dự Diễn đàn có Phó Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rositsa Kirova; các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; lãnh đạo các Bộ Kinh tế và Công nghiệp, Đổi mới và Phát triển Bulgaria. Sự kiện do Bộ Công Thương Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria, Bộ Đổi mới và Phát triển Bulgaria tổ chức.
Tạo ra các cơ chế mạnh mẽ hơn để tăng cường hợp tác
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Bulgaria, ông Nikolay Pavlov bày tỏ tin tưởng với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp hai nước, Diễn đàn là cơ hội để có thể thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa các doanh nghiệp hai bên. Chính phủ Bulgaria luôn coi trọng việc phát triển quan hệ với Việt Nam. Doanh nghiệp Bulgaria quan tâm và mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là đối với Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Bulgaria Rositsa Kirova chia sẻ kết quả hội đàm rất thành công giữa Chủ tịch Quốc hội hai nước diễn ra sáng cùng ngày. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác, trong đó có hai Bản ghi nhớ hợp tác hai Quốc hội, Văn phòng Quốc hội hai nước, “một lần nữa tạo ra các cơ chế mạnh mẽ hơn để hai bên có thể hợp tác cùng nhau trong thời gian tới”.
Diễn đàn đã chứng tỏ mong muốn của Bulgaria trong việc đẩy mạnh hơn quan hệ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, y tế, dược phẩm, công nghệ cao, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo… tất cả những lĩnh vực mà hai bên có thể đóng góp, hỗ trợ lẫn nhau.
Về khoa học và giáo dục, từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, hàng nghìn sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học của Bulgaria. Bà Phó Chủ tịch cho rằng giữa hai nước có kinh nghiệm, tiềm năng để đẩy mạnh hơn hợp tác sâu rộng hơn về nghiên cứu phát triển và khoa học công nghệ trong tương lai. Phó Chủ tịch Quốc hội Bulgaria tin tưởng hai nước cần tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để từ đó tạo những kết quả thiết thực, tạo sự thịnh vượng hơn.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự kiện được tổ chức vào thời điểm rất ý nghĩa, khi hai nước kỷ niệm 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng chứng kiến những bước phát triển vững chắc trên nhiều lĩnh vực hợp tác song phương.
Nhấn mạnh “Việt Nam và Bulgaria tuy cách xa về địa lý nhưng có nhiều điểm tương đồng và còn nhiều tiềm năng hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với phía Bulgaria để duy trì, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước trên tất cả các kênh: các chính đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân; tham vấn, ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, trong đó quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại đầu tư là một trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.
Với vị trí địa lý độc đáo, Bulgaria - hay còn được biết đến là xứ sở hoa hồng, được coi là quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng ở Trung và Đông Âu, có lịch sử phát triển lâu đời đáng tự hào, là thành viên tích cực của Liên minh châu Âu (EU) và có nền kinh tế công nghiệp đang ngày càng được đa dạng hóa, thu nhập bình quan đầu người cao. Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên là như một trong những điểm đến đầu tư - du lịch hấp dẫn hàng đầu châu Á với những bước phát triển nhanh chóng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng và vui mừng được tận mắt chứng kiến nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước của Quốc hội, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Bulgaria, trong đó, dự kiến GDP năm 2023 sẽ đạt hơn 100 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 dự kiến đạt mức 14.893 USD (ngưỡng các nước thu nhập cao).
Gần đây, Bulgaria mới công bố Chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030 với tầm nhìn đưa Bulgaria trở thành nền kinh tế cạnh tranh, ít carbon và là quốc gia có mức sống cao. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng với những nỗ lực như hiện nay, Bulgaria sẽ sớm đạt được các mục tiêu đề ra. Chủ tịch Quốc hội cho rằng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư chiếm vị trí quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Bulgaria. Các cơ chế hợp tác và khuôn khổ pháp lý quan trọng như Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật; Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) trong đó Bulgaria là thành viên; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư... là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước phát triển trên tinh thần cùng có lợi và bổ trợ lẫn nhau.
Đánh giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Bulgaria đều nhất trí sớm tiến hành Khóa họp 24 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Bulgaria về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học ngay trong tháng 10 tới nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại song phương.
Triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt hoan nghênh và đánh giá cao việc Quốc hội Bulgaria vừa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) với sự đồng thuận tuyệt đối. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đây là bước đi quan trọng để tiến tới việc Hiệp định có hiệu lực, tạo cơ sở để tăng cường quan hệ đầu tư Việt Nam với các nước EU, trong đó có Bulgaria”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bulgaria tạo thuận lợi cho hàng tiêu dùng, nông sản như chè, cà phê, thủy hải sản, rau củ, hoa quả nhiệt đới, dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vào Bulgaria và Việt Nam sẵn sàng mở cửa cho hàng hóa của Bulgaria như lúa mì, dầu thực vật, tinh dầu hoa hồng, hoa quả khô, rượu vang....
Bulgaria thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam, vận động các nước khác sớm phê chuẩn EVIPA và phối hợp thực thi EVFTA.
Về đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ hai nước có tiềm năng và lợi thế bổ trợ cho nhau, tuy nhiên, đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, hiện mới chỉ có khoảng 15 dự án đầu tư của Bulgaria vào Việt Nam với số vốn rất khiêm tốn khoảng 30 triệu USD trong tổng số khoảng 450 tỷ USD thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, chú trọng khuyến khích đầu tư giữa hai nước. Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Bulgaria đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Bulgaria có thế mạnh như: năng lượng, xây dựng hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong bảo quản và chế biến rau quả, thực phẩm; dược phẩm, bảo vệ môi trường...; tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên giao lưu, trao đổi, tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội đầu tư; hỗ trợ thực hiện các dự án đang hoạt động hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Trong trao đổi của tôi với các nhà lãnh đạo Bulgaria đều gợi ý các doanh nghiệp hai nước nên thành lập các mô hình liên doanh để đầu tư vào thị trường của nhau hoặc đầu tư vào thị trường thứ 3”.
Với vị trí của Việt Nam trong khu vực ASEAN, Bulgaria có thể đầu tư vào Việt Nam và qua đó đầu tư vào thị trường ASEAN rộng lớn với quy mô hơn 650 triệu dân, quy mô nền kinh tế thứ 5 thế giới và ngược lại, với vị trí địa chiến lược của Bulgaria bên bờ Biển Đen, doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết với doanh nghiệp Bulgaria để thâm nhập thị trường châu Âu và các nước vùng Balkan. Đây là ý tưởng đã gặp nhau của lãnh đạo hai nước, đề nghị các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn nghiên cứu, triển khai hình thức hợp tác này.
Trong điều kiện cách mạng công nghiệp phát triển mạnh mẽ hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh cơ hội phát triển mang tính đột phá của các nước đang phát triển, các nước có quy mô dân số không nhiều hoặc đang đi sau trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng... Chủ tịch Quốc hội khẳng định: “Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn phấn đấu tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho tất cả các doanh nghiệp, luôn coi thành công của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài là thành công của chính mình”.
Chia sẻ với các đại biểu và doanh nghiệp Bulgaria hai mục tiêu phát triển 100 năm của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng để thực hiện các mục tiêu này, Việt Nam không thể đi một mình: “Muốn đi nhanh thì từng nước có thể đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa, muốn về đích các mục tiêu phát triển của Việt Nam và của Bulgaria thì hai nước cần phải đi với nhau trên nền tảng quan hệ chính trị ngoại giao hết sức tốt đẹp đã có trong 73 năm qua”.
Cho biết Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên vào các ngành, lĩnh vực như: công nghệ cao, công nghiệp nền tảng, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện, pin điện...; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn..., Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên nghiên cứu khả năng, trao đổi cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực trên để thúc đẩy hợp tác đầu tư một cách phù hợp và hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng chắc chắn rằng, quan hệ Việt Nam - Bulgaria sẽ tiếp tục được củng cố và các hoạt động hợp tác đi vào thực chất và ngày càng hiệu quả hơn nữa, cùng nhau viết tiếp chương mới trong quan hệ hai nước với những kết quả mạnh mẽ hơn, đột phá hơn, mang lại phồn vinh cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân hai nước.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu với các đi biểu và doanh nghiệp Bulgaria về chính sách công nghiệp, thương mại, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Đại diện các cơ quan quản lý về thương mại và đầu tư hai nước đã tham gia phiên thảo luận, giải đáp các vấn đề quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp hai nước trên nhiều khía cạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra Phiên giao thương trực tiếp giữa các tổ chức và doanh nghiệp hai nước, chia sẻ các cơ hội hợp tác và đầu tư tiềm năng, triển vọng trong đa dạng các lĩnh vực: Điện, năng lượng, hàng không, xuất nhập khẩu hạt điều, hạt tiêu, bông nguyên liệu, gạo, nguyên liệu thực ăn chăn nuôi, dược mỹ phẩm, nguyên liệu thực phẩm…