Nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki và Đoàn đại biểu Hạ viện Maroc sang thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh kết quả hội đàm giữa Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng như việc ký kết văn kiện hợp tác giữa Quốc hội hai nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Maroc Habib El Malki đang thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Vui mừng trước những thành tựu trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, dư địa hợp tác Việt Nam - Maroc còn rất nhiều, vì vậy lãnh đạo và nhân dân Maroc cần cùng nhau nỗ lực đưa mối quan hệ trên các lĩnh vực phát triển hơn nữa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, hai bên cần duy trì trao đổi đoàn cấp cao, cấp bộ, ngành, địa phương, mở rộng giao lưu nhân dân; mong muốn hai bên hợp tác nâng cao cán cân thương mại; đề nghị Maroc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, tăng cường tìm kiếm những cơ hội hợp tác, đầu tư hiệu quả...
Hai bên cần thúc đẩy kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là ở những lĩnh vực tiềm năng như: thương mại, du lịch, tài chính, năng lượng tái tạo... để tăng cường thương mại và đầu tư; thúc đẩy hợp tác ba bên ở châu Phi trong các lĩnh vực hai nước có thế mạnh như: nông nghiệp, thủy sản, công nghệ thông tin... Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Maroc sang tìm hiểu và mở rộng thị trường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Vui mừng thực hiện chuyến thăm châu Á đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Hạ viện Maroc, Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki cho biết, ông chọn Việt Nam không phải ngẫu nhiên mà là trên cơ sở mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki nhấn mạnh, hai nước, hai dân tộc Maroc và Việt Nam đều là những đất nước đứng dậy đấu tranh với thực dân nước ngoài để giành lại độc lập.
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về dư địa hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki cho biết Maroc đang tìm hướng đưa quan hệ phát triển, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, chế biến nông sản. Maroc sẽ cố gắng hết sức để Maroc và Việt Nam có thể đi xa nhất cùng nhau trong các lĩnh vực hợp tác.
Trên bình diện khu vực và quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối tăng cường quan hệ trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Liên minh châu Phi và ASEAN, hai tổ chức khu vực ngày càng có vai trò, uy tín trên trường quốc tế. Chủ tịch nước cảm ơn Maroc đã ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương, trong đó đã sớm khẳng định ủng hộ Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao vai trò của Maroc trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, chúc mừng Maroc vừa được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72, nhấn mạnh đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Maroc cho Liên hợp quốc trong các vấn đề gìn giữ hòa bình, chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Maroc Habib El Malki. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Chia sẻ về sự hợp tác giữa Maroc và Việt Nam trên trường quốc tế, Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki cho rằng, hai nước có chung nhiều giá trị cơ bản của các thể chế đa phương, như phấn đấu cho hòa bình, ổn định và an ninh trên thế giới.
Chúc mừng Việt Nam đăng cai thành công Năm APEC 2017, Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki cho biết, dư luận ở Maroc theo dõi rất sát châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực đang nổi lên, có sức ảnh hưởng lớn về kinh tế. Những gì diễn ra ở khu vực có tác động mạnh mẽ đối với thế giới, vì thế Maroc luôn hướng về châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, khu vực châu Á nói chung.
Chủ tịch Hạ viện Habib El Malki cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Maroc tham gia ASEAN thông qua việc ký kết Hiệp ước Thân thiện và hợp tác. Maroc không thể thành công trong chính sách đối ngoại với các nước ở châu Phi nếu không có thành quả tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước châu Á. Việt Nam được xem là cửa ngõ để Maroc tiếp cận khu vực Đông Nam Á, và Maroc sẵn sàng là cầu nối để Việt Nam vươn tới khu vực Bắc Phi.