Sáng 24/4, tại thành phố Bandung, Indonesia đã diễn ra Lễ Kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung 1955 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng và trưởng đoàn các nước Á-Phi. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm.Lãnh đạo các nước đã tham gia cuộc diễu hành lịch sử đến Cung Thống nhất, qua đó tái hiện “Cuộc đi bộ Bandung” 60 năm trước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (hàng đầu, thứ năm từ phải sang) chụp ảnh chung với các Trưởng đoàn dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Năm 1955, đúng trên đoạn đường này, “Cuộc đi bộ Bandung” đã được các vị lãnh đạo của các quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Phi lần đầu tiên thực hiện, trong đó có Tổng thống Indonesia Sukarno, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Thủ tướng Ấn Độ Nehru…
Cuộc diễu hành lịch sử lần này có sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các nước Á – Phi, vừa thể hiện sự bất diệt của tinh thần Bandung, vừa cho thấy sự lớn mạnh và đoàn kết của cộng đồng các nước đang phát triển Á – Phi trong một thế giới đang có nhiều biến đổi sâu sắc.
Tại lễ kỷ niệm tổ chức tại Cung Thống nhất, đúng tại nơi mà 60 năm trước đây các vị lãnh đạo tiền bối đã nhóm họp, 10 nguyên tắc Bandung một lần nữa được vang lên, thể hiện tầm nhìn vượt thời gian của Hội nghị Cấp cao Á – Phi năm 1955.
Các vị lãnh đạo tham dự lễ kỷ niệm đã xem một phim ngắn tái hiện Hội nghị Bandung 1955 cũng như chặng đường 60 năm qua của Hội nghị Á – Phi cùng với những đổi thay to lớn và trọng đại của thế giới nói chung, các quốc gia đang phát triển Á – Phi nói riêng.
Tiếp đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có bài phát biểu nêu bật ý nghĩa của Hội nghị Bandung 1955, những giá trị trường tồn của tinh thần Bandung, nhấn mạnh 10 nguyên tắc Bandung vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới hiện nay, và hơn lúc nào hết, các nguyên tắc này cần được tôn trọng, cộng đồng Á – Phi cần phải đoàn kết và hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng và vì một thế giới công bằng hơn.
Đại diện của hai châu lục Á – Phi và các quan sát viên cũng đã có các bài phát biểu ôn lại chặng đường 60 năm phát triển của cộng đồng Á – Phi, đồng thời nêu bật sự cần thiết phải duy trì và phát huy tinh thần Bandung trong bối cảnh hiện nay, mang lại lợi ích cho nhân dân các nước đang phát triển Á – Phi và cho toàn nhân loại.
Sau lễ kỷ niệm, các vị lãnh đạo các nước đã tham dự Lễ Khánh thành Tượng đài Á – Phi, công trình mang tính biểu tượng kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung.
Nhân dịp tham dự Lễ Kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á – Phi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với nguyên Tổng thống Indonesia, bà Megawati Sukarnoputri.
Các Trưởng đoàn dự Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung và 10 năm thiết lập "Đối tác chiến lược Á - Phi mới" tham gia Diễu hành Lịch sử. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp vô giá của cố Tổng thống Sukarno, phụ thân của bà Megawati, trong việc hình thành ý tưởng và tổ chức Hội nghị Bandung 1955; tinh thần Bandung mà Ngài Sukarno cùng các vị lãnh đạo tiền bối xây dựng vẫn sống mãi với thời gian, trong 60 năm qua đã cổ vũ các nước đang phát triển Á – Phi trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước và phấn đấu cho một trật tự thế giới mới.
Cố Tổng thống Sukarno cũng đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân xây dựng và vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Indonesia.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đánh giá cao những đóng góp to lớn của bà Megawati trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vào năm 2013.
Bà Megawati đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào Hội nghị Bandung 1955 với tư cách một nước vừa chiến thắng chủ nghĩa thực dân, qua đó cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước Á – Phi trên toàn thế giới, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong suốt chặng đường 60 năm qua đối với Phong trào Không liên kết, Nhóm các nước đang phát triển (G-77) và hợp tác Nam – Nam.
Bà Megawati cũng khẳng định luôn ủng hộ việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia, cá nhân bà luôn nỗ lực vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời nguyên Tổng thống Megawati thăm lại Việt Nam; bà Megawati đã vui vẻ nhận lời mời.
Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng thống Myanmar Thein Sein. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của Myanmar thời gian qua; đồng thời khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chặt chẽ với Myanmar.