Chủ tịch nước: Cán bộ càng cao càng phải gương mẫu

Ngày 1/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh (Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đơn vị 1) đã có buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, Quận 3, Quận 4 thông báo về kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và tiếp thu, giải đáp những ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Năm APEC 2017 đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới
 
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao thành công của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động; các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người dân đã được truyền tải đầy đủ, trách nhiệm trên nghị trường Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, thẳng thắn, không ngại va chạm, tranh luận làm rõ và đi đến cùng vấn đề đặt ra.  Bày tỏ ấn tượng với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, cử tri cho rằng, các phiên họp này diễn ra trong không khí thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng. Cử tri vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước, đặc biệt là thành công của Năm APEC Việt Nam 2017 và Tuần lễ Cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 1, Quận 3 và Quận 4 để thông báo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Đồng tình với những đánh giá của cử tri về thành công của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đối nội, đối ngoại nổi bật của đất nước trong năm 2017, nhất là về thành công của Năm APEC Việt Nam 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ: Năm APEC 2017, nhất là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25 đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, cả về đa phương và song phương, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Sự tham dự đông đủ của các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao, trong đó có Lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng hơn 11.000 đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên trong và ngoài nước, là một thành công quan trọng, thể hiện sự quan tâm, coi trọng của khu vực và thế giới đối với Việt Nam và APEC. Lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều đánh giá cao chủ nhà của Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò dẫn dắt, tạo động lực mới cho một tương lai chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định vai trò của APEC trong quản trị kinh tế toàn cầu.
 
Đây là thành tích đối ngoại nổi bật của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam đối với châu Á - Thái Bình Dương. Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mang tính lịch sử đã góp phần nâng cao vị thế của đất nước, khẳng định năng lực chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của APEC về xây dựng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
 
Tầm vóc, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam được thể hiện rõ qua đề xuất chủ đề, các ưu tiên, ý tưởng, sáng kiến, cách thức chủ trì điều hành các hội nghị, các cuộc đối thoại, gặp gỡ và quá trình thương lượng văn kiện một cách linh hoạt, sáng tạo, vượt qua khác biệt, tạo dựng đồng thuận để không chỉ giữ vững đà hợp tác và liên kết APEC, mà còn góp phần xây dựng tầm nhìn chiến lược của Diễn đàn trong những thập niên tới. Đặc biệt, Việt Nam đã tích cực góp phần hình thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, qua đó góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các Nhà Lãnh đạo APEC đối thoại với các Nhà Lãnh đạo ASEAN nhằm phối hợp xây dựng cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, minh bạch và có khả năng thích ứng cao.
 
Bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh
 
Cử tri nêu lên nhiều bức xúc liên quan đến các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra gần đây. Cử tri Mai Thị Ngọc Thúy (Phường 1, Quận 4) bày tỏ: “Chưa bao giờ, sự an toàn của trẻ em - “những người chủ tương lai của đất nước” lại bị xâm phạm đến mức báo động như thời gian gần đây. Nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng lo lắng cho con của họ trong diễn biến xã hội hiện nay... Nhà nước, chính quyền đã có nhiều biện pháp phòng, chống, giải quyết nhưng dường như chưa thật sự hiệu quả, khiến các bậc phụ huynh chưa bao giờ hết hoang mang, lo lắng. Khi sự việc được đưa ra ánh sáng, giáo viên đánh trẻ bị đình chỉ hoặc buộc thôi việc, cơ sở trông giữ trẻ bị giải thể. Nhưng tất cả chỉ giải quyết phần ngọn và là câu trả lời muộn màng với những nạn nhân và gia đình. Những vụ việc mới, đau lòng hơn, lại vẫn xuất hiện khiến người ta day dứt”.
 
Trả lời ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước. Đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của đất nước trong tương lai. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ với những bức xúc của cử tri về những vụ việc bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em, như vụ việc bảo mẫu ở Hà Nam tung trẻ hơn 1 tháng tuổi; bé gái bị bạo hành bằng sắt nung đỏ dí vào mặt và tay ở Kiên Giang; chủ cơ sở Mầm non Mầm Xanh hành hạ trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh; vụ sát hại cháu bé 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa và nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua, gây hoang mang, lo lắng cho các gia đình và bức xúc trong dư luận xã hội.
 
Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em. Đi cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để mọi người dân và toàn xã hội thấy được tính cấp bách, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; có thái độ phê phán, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị phải chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Các bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp hiệu quả bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
 
Cán bộ càng cao càng phải gương mẫu, đảng viên phải gương mẫu
 

Cử tri Phan Thị Bích (Phường 8, Quận 4), cử tri Hồ Quang Chính (Quận 3) bày tỏ ý kiến về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, mong muốn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần phải được triển khai liên tục, quyết liệt hơn nữa. Cùng đó, nhiều vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay cũng được cử tri nêu ý kiến, như đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị; quy định ghi tên các thành viên gia đình trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình (Thông tư 33 năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường); an toàn vệ sinh thực phẩm; tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống người dân...
 
Trước những kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh quan điểm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần phải kiên quyết, không loại trừ bất kỳ ai có hành vi tham nhũng. Một trong những ưu tiên là phải thu hồi được những tài sản mà các đối tượng tham nhũng đã chiếm đoạt. Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và sự nỗ lực phối hợp tốt của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định.
 
“Đi liền với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cán bộ, đảng viên phải thực hiện thật tốt các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là các nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải liêm chính, nói không với tham nhũng mới có thể đấu tranh với tham nhũng, mới chống được tội phạm tham nhũng... Cán bộ càng cao càng phải gương mẫu, đảng viên phải gương mẫu, từ đó làm nòng cốt trong phát hiện, đấu tranh bài trừ các loại tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng, từ đó góp phần xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I/2018. Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa ra xét xử đúng quy định của pháp luật.
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri Quận 1, Quận 3 và Quận 4. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) đã ban hành Nghị quyết rất quan trọng về chủ đề này, cùng đó Quốc hội chọn chủ đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 là một chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội. Quốc hội đã có báo cáo về kết quả giám sát và ra Nghị quyết về giám sát chuyên đề này. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét rất xác đáng, rất phù hợp với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII). Chính phủ, các cơ quan đã ban hành Chương trình hành động gắn với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Vì vậy, vấn đề cử tri quan tâm sẽ được giải quyết một cách có hiệu quả trên tinh thần nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội”.
 
Về chủ đề phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình phát triển của đất nước nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận cử tri đã đưa ra những nhận xét, kiến nghị rất tâm huyết, xác đáng. Vì vậy, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cần lưu ý tiếp thu và bổ sung vào các chương trình, kế hoạch của Thành phố trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, làm sao đạt được mục tiêu phát triển nhanh, nhưng phải bền vững, đi liền với bảo vệ môi trường. “Chúng ta không thể đánh đổi môi trường bằng mọi giá. Không phải vì chạy theo phát triển mà làm ảnh hưởng đến môi trường, làm ô nhiễm môi trường. Phải luôn chú trọng phát triển nhanh, bền vững, đi liền với bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ quan điểm.

Đức Dũng (TTXVN)
Chủ tịch nước ca ngợi vẻ đẹp của Ba Lan qua thơ Tố Hữu
Chủ tịch nước ca ngợi vẻ đẹp của Ba Lan qua thơ Tố Hữu

Tối 28/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế - Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã chủ trì Quốc yến chào mừng Tổng thống Andrzej Duda và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Ba Lan thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 27 - 30/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN