Theo đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, để tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế có đủ năng lực thực hiện chức năng khám chữa bệnh ban đầu, ngoài các yêu cầu về nhân sự, quy trình kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị… thì nhiệm vụ đảm bảo thuốc là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, kết quả cung ứng thuốc của hầu hết các trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức còn hạn chế, danh mục thuốc chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu chữa bệnh tại các trạm, chưa phù hợp với mong mỏi thực tế của người dân và bác sĩ điều trị.
Bên cạnh đó, trong công tác mua sắm thuốc gặp nhiều khó khăn như quá trình lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc kéo dài, số lượng mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu chiếm tỉ lệ cao, giá thuốc trúng thầu ở mức cao so với mặt bằng chung... Nguyên nhân chính của những khó khăn trên là do nhiều nhà cung ứng không tham dự thầu, trong khi đó, số lượng mua sắm thuốc của mỗi trung tâm y tế nhỏ lẻ so với số lượng thuốc cung ứng cho các đơn vị điều trị tuyến trên.
Trước thực trạng khó khăn trên, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh về việc mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương đối với tất cả các thuốc được sử dụng tại trạm y tế và thuộc quyền lợi được hưởng của người tham gia Bảo hiểm y tế.
Ngành y tế cho rằng, việc đấu thầu tập trung sẽ khắc phục các khó khăn trong mua sắm thuốc của trung tâm y tế, đồng thời tăng cường năng lực cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế trên địa bàn.
Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương bao gồm 129 thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương; bổ sung 302 thuốc tổng hợp từ dự trù nhu cầu của các trạm y tế, trung tâm sung y tế.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương phải đáp ứng tất cả các tiêu chí: thuốc thuộc danh mục đấu thầu và không thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành; thuốc có từ 3 giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất; thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố; thuốc được sử dụng ở nhiều cơ sở, tuyến điều trị tại địa phương.
Tuy nhiên, qua rà soát, đa số các thuốc trong danh mục 302 thuốc dự kiến bổ sung không đạt đầy đủ 5 tiêu chí trên. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn những nội dung trên để ngành y tế thực hiện mua sắm thuốc đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố.