Chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu
Những năm qua, việc thực hiện tốt chính sách BHYT không chỉ bảo đảm cho các em HSSV được chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu, mà còn giảm rủi ro cho các em khi không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi cố gắng nắm bắt hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh để kịp thời hỗ trợ, đảm bảo cho các em được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Hiện nay, ngân sách nhà nước hỗ trợ phí đóng thẻ BHYT cho học sinh là 30%, còn ngân sách của địa phương hỗ trợ thêm 10%, do đó các em chỉ phải đóng 60% mức đóng”.
Nhờ có thẻ BHYT, nhiều em học sinh trên địa bàn không may mắc bệnh phải nằm viện điều trị đã được quỹ BHYT chi trả cao, như em Nguyễn Thị Bé Thảo, học sinh trường PTTH ở ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự. Chị Phạm Thị Lắm, mẹ em Thảo, cho biết: “Chỉ tính tiền mổ của con cũng cả trăm triệu, còn xạ trị thì nhiều lắm. Nhờ có thẻ BHYT, tôi mới lo được cho con, chứ từ lúc ấy tới giờ hổng có tiền đâu mà lo. Đến giờ, khi sức khỏe của con tạm ổn rồi, tôi với ba cháu mới thở phào nhẹ nhõm”. Sau gần một năm điều trị căn bệnh khối u ác tính ở mũi, Thảo phải bỏ dở một năm học. Mong ước hiện giờ của em là được tham gia đến trường cùng các bạn. Ước mơ tuy giản dị nhưng là cả sự nỗ lực vượt qua bệnh tật của Thảo và sự cố gắng của vợ chồng chị Lắm, trong đó phải kể đến cả sự hỗ trợ lớn chi phí điều trị bệnh từ quỹ BHYT dành cho Thảo.
Em Nguyễn Thị Bé Thảo là một trong số hàng trăm em học sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được quỹ BHYT chi trả chi phí khi đi khám chữa bệnh. Chỉ tính riêng năm học 2019-2020, BHXH tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện thanh toán trên 4,1 tỷ đồng cho các trường hợp HSSV đi khám chữa bệnh BHYT.
Hướng tới bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT
Hướng tới mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2020-2021, nhất là trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, ngành Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT), ngành BHXH và các đơn vị liên quan cũng như các địa phương đã và đang có nhiều hoạt động nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT.
Bà Đinh Mai Hạnh- Phó Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến thời điểm 30/9/2020, cả nước có 86,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. Kết thúc năm học 2019-2020, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trên cả nước đạt 95,2%- thấp hơn so với tỷ lệ bình quân chung cả nước, nhưng cũng đã tăng 1% so với năm học 2018-2019. Trong đó, khối HS phổ thông có tỷ lệ tham gia cao nhất (97,7%); tiếp đến là khối ĐH (91,4%), khối CĐ và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tỷ lệ tham gia thấp hơn, nhất là đối với những SV từ năm thứ 2 trở đi.
Cũng theo bà Đinh Mai Hạnh, cả nước hiện có 18.117.769 HSSV đang tham gia BHYT, trong đó có 13.202.677 HSSV tham gia BHYT tại nhà trường (do nhà trường lập danh sách và thu tiền của HSSV nộp cho cơ quan BHXH) và 4.915.092 HSSV tham gia theo đối tượng khác (thuộc hộ nghèo, thân nhân quân nhân, công an được NSNN đóng 100%, người thuộc hộ cận nghèo được NSNN hỗ trợ tối thiểu 70%...).
TS Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng HSSV là nhóm có tỷ lệ tham gia BHYT cao và đã đạt được tỷ lệ cơ bản.
Điều này cho thấy, ngành giáo dục luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với BHXH VN và các cơ quan chức năng ở trung ương, địa phương trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHYT, đặc biệt là Luật BHYT và các văn bản liên quan.
Đặc biệt, cần phải kể đến vai trò của các hội nghị tập huấn, đối thoại chính sách được ngành giáo dục phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức. Thông qua các sự kiện này, các nhân viên y tế trường học đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nắm rõ về quyền và nghĩa vụ của việc tham gia BHYT của HSSV, đặc biệt là tính ưu việt, quyền lợi khi khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại nhà trường.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai BHYT HSSV tại trường học, ông Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng phòng Công tác Chính trị và Quản lý SV (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định, từ nhiều năm qua, chính sách BHYT HSSV được Trường ĐH Kinh tế Quốc dân triển khai khá tốt và đạt hiệu quả cao; tỷ lệ SV tham gia BHYT đạt 95% trên tổng số SV toàn trường. Ngoài ra, số SV có BHYT theo đối tượng khác (thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS), con em gia đình chính sách, con thương binh, gia đình liệt sĩ, hộ nghèo, cận nghèo) cũng được nhà trường quản lý chặt chẽ. “Chúng tôi đã có những liên kết và phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH. Nhiều SV vẫn còn băn khoăn về việc có nên mua BHYT hay không, nên khi triển khai BHYT, chúng tôi đưa ra các giải pháp, thông tin kịp thời về BHYT đến với SV”- ông Hà cho biết.
Cũng theo ông Hà, khi tham gia BHYT, các SV có quyền hỏi sẽ được KCB đầu tiên ở đâu, vì vậy phải có thông tin, tuyên truyền để các em được giải đáp những băn khoăn đó. Ví dụ, tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có Trạm Y tế để các nhân viên y tế yên tâm trong quá trình khám chữa bệnh (KCB). Đối với SV khi mắc các bệnh thông thường sẽ được đi khám tại Trạm Y tế của trường hoặc các Phòng khám có đăng ký khám BHYT... Cùng với đó, nhà trường cũng thông tin cho SV biết về việc tham gia BHYT như thế nào, có nên tham gia BHYT hay không... “Chúng ta cần phải thông tin tới gia đình để thống nhất với nhà trường việc tham gia BHYT, nhằm bảo đảm sức khỏe cho các em trong quá trình học tập”- ông Hà nhấn mạnh.