Số lượng dịch vụ công tăng
Trong những năm qua, công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Các quy định thủ tục hành chính được kiểm soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện thủ tục hành chính và quy định cách thức thực hiện theo hướng dễ tiếp cận cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều thủ tục đã được quy định theo hướng có thể thực hiện trực tuyến trên môi trường điện tử. Theo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc năm 2018, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đánh giá cao nhất trong các chỉ số thành phần của Việt Nam, đạt 0,74/1,0.
Các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình. Điều này được thể hiện qua số lượng dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng. Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 do các bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp trong năm 2016 là 828 dịch vụ, đã tăng lên con số 1.578 dịch vụ vào năm 2018.
Tính đến quý III/2019, các bộ, cơ quan ngang bộ đã cung cấp 1.720 dịch vụ. Trung bình mỗi dịch vụ, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến đạt 80,55%. Trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ, chỉ có Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan có cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 do các tỉnh, thành phố cung cấp trong các năm 2016 là: 11.409 dịch vụ, đến năm 2018 đã là 47.774 dịch vụ.
... nhưng hiệu quả chưa cao
Tuy vậy, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp chưa đạt được như kỳ vọng. Tại cả hai công đoạn thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến của người dân, doanh nghiệp và giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Văn phòng Chính phủ, qua theo dõi kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và rà soát văn bản quy định liên quan đến các cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức trực tuyến trên môi trường điện tử cho thấy còn nhiều tồn tại hạn chế và hiệu quả chưa cao. Lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến còn thấp.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết quý II/2019, các bộ, ngành đã cung cấp 1.758 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó có 506 dịch vụ phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt 28,78%). Các địa phương đã cung cấp 43.369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có 6.575 dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến (đạt 15,16%). Đến hết quý III/2019, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến của các bộ, ngành là 47,7%, địa phương là 17,3%.
Mặc dù đã có các quy định thủ tục hành chính thực hiện theo cách thức trực tuyến, tuy nhiên, mới chỉ đề cập đến phương thức này mà chưa có những quy định cụ thể, chi tiết cách thức thực hiện, trừ một số thủ tục thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, y tế, lao động. Bên cạnh đó, việc tổ chức cung ứng dịch vụ công qua ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều tồn tại như: mỗi bộ, ngành, địa phương có nhiều cổng dịch vụ công cho những lĩnh vực riêng lẻ; các cổng dịch vụ công thiếu tính thống nhất, khó tìm, khó tiếp cận, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức.
Việc lựa chọn, xây dựng các dịch vụ công để giải quyết theo phương thức trực tuyến còn mang tính tự phát, hình thức và quan tâm đến số lượng. Thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến trên môi trường điện tử mới chỉ là những thủ tục đơn giản, chủ yếu là ở bước khai báo, trao đổi thông tin phối hợp và không hoàn thành toàn bộ quy trình trực tuyến. Tình trạng cung cấp các dịch vụ công chồng chéo giữa các bộ, ngành và các địa phương, dẫn đến một dịch vụ công thực hiện thủ tục hành chính do cả bộ và cả địa phương cung cấp.
Thực tế cho thấy, việc triển khai dịch vục công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa bảo đảm khả năng tích hợp, liên thông của hệ thống thông tin, khả năng sử dụng chung thông tin về quản lý, điều hành, phối hợp công tác và những thông tin khác một cách đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước. Điều này dẫn tới những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính như công nhận và sử dụng lại kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử; hỗ trợ lưu trữ thông tin đều đạt hiệu quả rất thấp.
Trong cách cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử còn nhiều điểm bất hợp lý, thiếu thống nhất và mang tính tùy nghi. Chẳng hạn, việc chứng minh tính chính danh của người thực hiện, hình thức của tài liệu, quy trình thực hiện... dẫn đến cùng một thủ tục hành chính nhưng cách tiếp cận, triển khai của từng địa phương là khác nhau, tạo thành những phiên bản khác nhau.
Quá trình thực hiện thủ tục hành chính cũng tồn tại tình trạng chưa bảo đảm tính định danh chính xác người dùng, chưa bảo đảm bí mật nhà nước, thông tin cá nhân; an toàn, an ninh thông tin. Về hình thức, các thủ tục hành chính còn phức tạp gây phiền hà cho dân. Về thẩm quyền giải quyết, các thủ tục còn nặng nề, nhiều cửa và khâu trung gian, chưa rõ ràng trong một số các quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong quản lý một số lĩnh vực.
Còn mang nặng tính hành chính
Nguyên nhân chủ yếu của những bất cập trên, theo phân tích của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), là do các cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng, ban hành thủ tục hành chính và tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính chưa thực sự coi trọng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tục còn mang nặng tính hành chính, quy trình chưa thống nhất, phương thức thực hiện cơ bản vẫn theo hình thức truyền thống bằng giấy tờ. Thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều khâu chưa rõ ràng. Cá nhân, tổ chức và ngay cả cơ quan quản lý cũng chưa thật sự tin tưởng vào việc chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính, còn mang tính kinh nghiệm và thói quen lạc hậu, chưa phù hợp với nhu cầu trong điều kiện hội nhập.
Các quy định về việc giải quyết thủ tục trực tuyến trên môi trường điện tử chưa đồng bộ, còn rời rạc ở từng văn bản cụ thể và chưa đủ các quy định cụ thể để triển khai thống nhất trên toàn quốc. Việc thiết lập các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành còn rất chậm, làm hạn chế khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Một nguyên nhân quan trọng khác, đó là trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, việc truyền thông, hướng dẫn trực tiếp người dùng chưa được triển khai mạnh mẽ, chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp chưa thực sự vì người dùng dẫn đến tình trạng e ngại và khó khăn trong việc tiếp cận các thiết bị công nghệ thông tin cũng như dịch vụ công trực tuyến.
Bài cuối: Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất