Trao đổi với báo chí chiều 10/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, đây là định hướng triển khai công việc, không phải bỏ ngay một số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp như nhiều người dân thắc mắc.
Theo Nghị quyết 58, trong lĩnh vực nuôi con nuôi, thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước, hồ sơ của người nhận con nuôi bổ sung lựa chọn nộp bản sao thẻ căn cước công dân bên cạnh chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người nhận nuôi con nuôi.
Người dân đến làm thủ tục lý lịch tư pháp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Định An, huyện Gò Quao, Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi bỏ biên bản xác nhận do UBND hoặc Công an xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi, bỏ giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
Đặc biệt, trong lĩnh vực hộ tịch, thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được bãi bỏ. Thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài bỏ quy định về xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn). Với các thủ tục trong lĩnh vực hộ tịch, người dân rất quan tâm và cho rằng việc đơn giản này được áp dụng ngay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phân tích, Luật Hộ tịch dự kiến chậm nhất đến ngày 1/1/2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu điện tử. Khi đó, tất cả thông tin của người dân đều có trên cơ sở dữ liệu này nên khi đến cơ quan nhà nước làm thủ tục, người dân không cần xuất trình một số loại giấy tờ như giấy chứng nhận kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết đã đề nghị các đơn vị chuyên môn nghiên cứu để trao đổi, cung cấp thông tin đúng đắn nhất đến người dân, giúp người dân hiểu rõ vấn đề. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Nghị quyết 58 rất mới và Bộ Tư pháp có tham gia vào quá trình xây dựng nghị quyết nhưng việc triển khai phải có lộ trình, bám sát lộ trình Luật Hộ tịch đã quy định.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang làm dự án thí điểm Chính phủ giao, sắp tới sẽ tổng kết, sau đó sẽ triển khai chính thức. Thứ trưởng chia sẻ, khó khăn lớn nhất là kinh phí bởi muốn đồng bộ hệ thống, kết nối cơ sở dữ liệu điện tử dân cư và cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì đòi hỏi đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, với nhiệm vụ Quốc hội đã giao, Bộ Tư pháp sẽ cố gắng hết sức vì việc này tạo thuận lợi, đem lại lợi ích vô cùng lớn cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết thêm, Nghị quyết 58 không phải thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung các văn bản mà sau khi Nghị quyết được ban hành thì phải tiếp tục đợi Ban Chỉ đạo Đề án 896 hướng dẫn về lộ trình sửa các văn bản để bảo đảm phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Bộ Tư pháp sẽ có kế hoạch cụ thể để sửa đổi văn bản được quy định trong nghị quyết. Ngoài ra, các văn bản nêu trong nghị quyết vẫn có hiệu lực, thủ tục hành chính vẫn thực hiện bình thường. Việc thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nghị quyết phải có lộ trình. Cụ thể, Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp và trình các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản cho phù hợp với thời điểm hoàn thành và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.