Dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dân không có việc làm, thu nhập và buộc phải ở nhà. Những ngày này, nhu cầu sử dụng điện, nước, viễn thông lại tăng thêm.
Thấu hiểu những lo lắng, khó khăn của người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp đề nghị doanh nghiệp xem xét giảm ngay giá nước sạch sinh hoạt, giá điện, giá cước viễn thông để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai nhiều gói hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng.
Cụ thể, ngày 2/8, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai ngay gói hỗ trợ tiền điện. Ước tính, tổng số tiền giảm khoảng 2.500 tỷ đồng, dành trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội với mức giảm từ 10 đến 15%. Các cơ sở cách ly y tế được giảm 100% (áp dụng trong tháng 8 và tháng 9).
Theo tính toán của EVN, cả nước có khoảng 20 triệu hộ gia đình dùng dưới 200 KWh/tháng. Việc giảm 15% tiền điện đối với khách hàng dùng đến 200 KWh có sức lan tỏa đến rất nhiều hộ gia đình trên cả nước. Đây là lần thứ 4 EVN thực hiện giảm giá điện, tính chung 4 đợt, tổng số tiền hỗ trợ của EVN với các khách hàng đạt hơn 16.300 tỷ đồng.
Cũng thời gian này, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng, triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài trong 3 tháng.
Đại diện Tập đoàn VNPT khẳng định, hỗ trợ người dân và Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh luôn là nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp này. Việc các nhà mạng tăng băng thông, giảm giá cước giúp người lao động xử lý công việc thuận lợi hơn; đồng thời, khắc phục tốt tình trạng nghẽn mạng khi hàng triệu giáo viên, học sinh sẽ truy cập trong cùng thời điểm.
Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, đại diện MobiFone cho biết: hiện nay, dịch bệnh đang xuất hiện những làn sóng mới với quy mô, diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Là một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu, góp phần duy trì huyết mạch thông tin phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hoá, MobiFone đã không ngừng tìm kiếm các giải pháp, nhằm san sẻ một phần khó khăn cùng với cả nước.
Theo đó, MobiFone sẽ tăng 2 lần băng thông cho tất cả các khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet cáp quang trên toàn quốc, với giá không đổi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà.
Ngoài điện, viễn thông, các doanh nghiệp ngành nước sinh hoạt cũng đã có động thái giảm giá, hỗ trợ người dân. Đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, các đơn vị sẽ tổ chức họp bàn để triển khai, lên kế hoạch cụ thể. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã triển khai thực hiện chương trình miễn, giảm 100% tiền nước cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19 (không thu phí) trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 12 nhằm chung tay chia sẻ, giảm bớt phần nào khó khăn cho người dân trong bối cảnh tình hình dịch bệnh kéo dài.
Không chỉ có chính sách hỗ trợ tiền điện, tiền nước sinh hoạt, giảm giá cước viễn thông, trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Ông Nguyễn Phi Hùng, tổ dân phố 2A, phường Trương Định, Hà Nội cho biết, gia đình 3 thế hệ với 10 người đều ở nhà suốt thời gian giãn cách xã hội khiến cho chi phí sinh hoạt như điện, nước, ăn uống tăng nhiều. Trong khi đó, các cháu cũng không đi làm để kiếm ra tiền, cửa hàng kinh doanh nhỏ của hai vợ chồng cũng buộc phải đóng cửa để thực hiện theo quy định nhà nước.
“Rất mừng vì nhà nước đã có các gói hỗ trợ đến người dân, giúp chúng tôi giảm nhẹ gánh nặng chi phí sinh hoạt. Với số tiền được giảm, gia đình sẽ dùng vào việc mua thêm thức ăn, trang trải qua mùa dịch”, ông Hùng vui vẻ nói.
Cùng chung niềm vui trên, anh Tô Linh Giang, trú tại khu vực chợ 8/3 (Hà Nội) cho biết, không rõ việc giảm giá được các cơ quan, đơn vị thực hiện ra sao và mức giảm được thụ hưởng quy ra tiền thời gian tới là bao nhiêu. Song thông tin này giúp người dân cảm thấy ấm lòng bởi Chính phủ, Nhà nước đã quan tâm tới đời sống của người dân.
Bày tỏ quan điểm, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao những nỗ lực trong việc giảm 100% tiền điện cho những cơ sở điều trị, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2, giảm tiền điện, nước sinh hoạt, cước viễn thông cho người dân... Trong bối cảnh nhiều người dân mất thu nhập, gặp khó khăn về kinh tế, động thái này có ý nghĩa rất lớn.
Thấu hiểu và chia sẻ cùng người dân trong những ngày gian khó vì dịch bệnh sẽ giúp người dân vơi bớt nỗi lo, tăng thêm niềm tin vào các giải pháp chống dịch của Chính phủ. Có giải pháp, hành động và hiệu quả; đặt lợi ích, sức khỏe người dân lên trên hết để không ai bị bỏ lại phía sau là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Chính phủ.
Nhiều người chung kỳ vọng, người dân, doanh nghiệp và Chính phủ sẽ tiếp tục đồng lòng, tin tưởng để vượt qua khó khăn, "chống dịch như chống giặc” và thực hiện thành công mục tiêu kép.