Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thủy sản trên địa bàn; công tác xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch về thủy sản (bảo vệ, nuôi trồng, khai thác thủy sản) có nhiều tiến bộ.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản; điều tra, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; giao, cho thuê đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung... ở các địa phương trong vùng đã có những chuyển biến tích cực.
Năm 2016, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 44.000 tấn; trong đó khai thác thủy sản hơn 30.000 tấn, nuôi trồng thủy sản gần 13.900 tấn. Tổng số tàu thuyền phát triển khai thác hải sản đến nay là 4.025 chiếc, trong đó không lắp máy 1.539 chiếc, có lắp máy 2.486 chiếc; số người lao động đánh bắt hải sản trên tàu thuyền là 7.235 người...
Ngoài ra, toàn tỉnh có đội tàu cá xa bờ 76 chiếc làm dịch vụ hậu cần vừa kết hợp khai thác hải sản. Đây là mô hình tổ chức hoạt động thủy sản đặc trưng trên biển của Thừa Thiên - Huế, không chỉ thu mua dịch vụ cho đội tàu trong tỉnh mà phần lớn hơn dịch vụ hậu cần cho các đội tàu từ Quảng Bình đến Bình Định.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập được hệ thống 23 khu bảo vệ thủy sản ở đầm phá, với tổng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt 614,2 ha. Trong các khu bảo vệ thuỷ sản, tỉnh nghiêm cấm các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và môi trường thủy sinh như khai thác thuỷ sản, nuôi trồng thủy sản; xây dựng các công trình sản xuất (kể cả công trình nhà ở).
Các hoạt động khai thác thủy sản để nghiên cứu khoa học và hoạt động tiêu diệt thủy sản địch họa trong khu bảo vệ phải có giấy phép của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh theo quy định của pháp luật.
Hoạt động giao thông đường thủy được phép qua lại vô hại nhưng không được dừng tàu thuyền lại trong khu bảo vệ. Hoạt động du lịch sinh thái được phép khi có sự tham gia và giám sát của cộng đồng ngư dân địa phương.
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) rộng trên 22.000 ha mặt nước, trải dài qua 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc.
Đây được xem là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do lối đánh bắt tự nhiên của người dân ở đây đã phần nào làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Trước yêu cầu phát triển hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thủy sản, đưa vào thể chế Kiểm ngư tương tự thể chế của ngành Kiểm lâm (chỉ khác về vùng hoạt động đặc thù); kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa (Hoàng Sa, Trường Sa và DK1) và các chính sách phát triển thủy sản.
Riêng về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, cần kiện toàn các chính sách này tốt hơn theo hướng hỗ trợ một lần sau đầu tư để giảm thủ tục, sự lệ thuộc vào các ngân hàng thương mại; đồng thời quan tâm phân bổ vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản đã đưa vào kế hoạch thực hiện tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận xung quanh những vấn đề liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ; mô hình đồng quản lý; giao, cho thuê đất, mặt nước; khai thác cảng cá; quy hoạch thủy sản...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh ghi nhận, đánh giá cao công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thủy sản của tỉnh nhất là công tác thành lập các khu bảo vệ thủy sản; triển khai mô hình đồng quản lý; nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế; tình hình phát triển nông - lâm - ngư nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng.
Đoàn đã ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của địa phương để tiếp tục nghiên cứu; đồng thời báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết...