Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Cử tri đánh giá công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước đột phá

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 5/11, Quốc hội tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra. Đông đảo cử tri tỉnh Ninh Bình quan tâm theo dõi, đánh giá cao chất lượng phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kiến nghị nhiều giải pháp đối với việc thu hồi tài sản, xử lý nghiêm vi phạm sau thanh tra.

Chú thích ảnh
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri Vũ Xuân Thu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Bình đánh giá cao nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Cử tri cho rằng, chất vấn và trả lời chất vấn là nội dung rất quan trọng và được cử tri đặc biệt quan tâm. Nội dung trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã giải đáp được nhiều vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Cử tri Vũ Xuân Thu đánh giá, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông qua hoạt động thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Hoạt động thanh tra một mặt đã phát hiện, kiến nghị hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn là cơ hội để phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, mặt khác, qua hoạt động thanh tra, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm.

Từ đầu năm đến nay, các tổ chức thanh tra tỉnh Ninh Bình đã tiến hành 638 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm trên 67,8 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 31,9 tỷ đồng; đã thu hồi trên 16,6 tỷ đồng.

Theo cử tri Vũ Xuân Thu, công tác thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng. Thanh tra để phục vụ cho sự phát triển, phòng ngừa, răn đe, uốn nắn và xử lý công bằng trước pháp luật cũng như tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, nhằm kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, công tác thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần toàn diện trên các lĩnh vực công tác, phù hợp với thực tế, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận, phản ánh của nhân dân.

Ngành Thanh tra cũng cần tăng cường thanh tra trách nhiệm người đứng đầu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; công tác thanh tra làm việc nào phải dứt điểm việc đó; tăng cường công tác quản lý thanh tra, giám sát, thẩm định và phối kết hợp với các cấp, các ngành tạo sự gắn kết trong công tác thanh tra đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Bảo đảm thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát

Cử tri Đào Văn Đương, xã Ninh An, huyện Hoa Lư đánh giá, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện, đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Phản ánh ý kiến về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, cử tri Đào Ngọc Trưởng, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình cho rằng, công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn hạn chế, số tài sản thu hồi còn thấp hơn so với tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra, thu hồi tài sản và tích cực, chủ động trong việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Các cấp, các ngành cũng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm, gây lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng. Thông qua công tác xử lý các vụ việc tham nhũng góp phần ngăn chặn, làm gương răn đe những người có biểu hiện suy thoái kịp thời thức tỉnh.

Thùy Dung (TTXVN)
Nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là những vấn đề cần sớm giải quyết
Nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là những vấn đề cần sớm giải quyết

"Các câu hỏi của đại biểu Quốc hội và nội dung trả lời của các trưởng ngành đều là những vấn đề cần sớm giải quyết"- Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chia sẻ ngày 5/11, bên lề phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN