Các bản án được đăng tải công khai trên trang web chính thức của Tòa án nhân dân tối cao. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Có thể nói đây là sự kiện đánh dấu một bước chuyển biến mới cho hệ thống pháp luật nước ta và được kỳ vọng sẽ là một trong các cơ chế hữu hiệu để nhân nhân kiểm tra, giám sát hoạt động của Tòa án, có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng xét xử và chế độ trách nhiệm của Thẩm phán.
Đòi hỏi cấp thiếtHiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều tiến hành công khai bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Ở Việt Nam, việc thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của Toà án nói chung và công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án nói riêng là chủ trương lớn của Đảng được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Theo đó Toà án có trách nhiệm “… từng bước thực hiện việc công khai các bản án…”.
Tuy nhiên, công khai bản án trong nhiều năm qua cũng chỉ mới dừng lại ở những bản án của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Bên cạnh đó, hình thức thông tin, xuất bản còn khó tiếp cận và số lượng còn hạn chế. Một số ít người dân mới có thể tiếp cận, tìm hiểu các bản án thông qua một số ấn phẩm như: năm 2004, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc công bố hai tập Quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán, sau đó được xuất bản năm 2008. Do đó, việc công khai bản án trên trang thông tin điện tử là một đòi hỏi cấp thiết của cải cách tư pháp theo tinh thần Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và thông lệ tiên tiến của quốc tế. Đây là một trong sáu giải pháp đột phá của hệ thống Tòa án nhân dân trong năm 2017 và những năm tiếp theo với chủ đề công tác "Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng và công lý".
Với trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án mới được khai trương, người dân, cơ quan, tổ chức có thể dễ dàng thực hiện việc tìm kiếm, xem trực tiếp nội dung bản án, quyết định đã công bố; đồng thời cho phép xem chi tiết các thông tin liên quan đến bản án, quyết định đã công bố như các bản án, quyết định thuộc lĩnh vực có liên quan; các án lệ đã được áp dụng…
Cũng trên trang thông tin điện tử này, người dân biết được đến thời điểm hiện tại có bao nhiêu bản án đã được công bố.
Theo hiển thị trên trang, sau một tuần khai trương, đã có hơn 900 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được công khai trên trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án, với hơn 120 nghìn lượt truy cập. Bên cạnh đó, trên trang này, người dân có thể trực tiếp cho ý kiến đối với các bản án, quyết định đã được công bố thông qua nhiều tiện ích trong đó có tiện ích “Ý kiến phản hồi đối với bản án, quyết định”.
Theo thông tin từ Tòa án nhân dân tối cao, chỉ sau hơn 1 tuần trang thông tin điện tử đi vào hoạt động đã thu hút được số lượt lớn truy cập và tải về nghiên cứu. Trong đó, nhiều bản án, quyết định nhận được nhiều ý kiến góp ý về nội dung, hình thức; nhiều bản án, quyết định được đánh giá cao; một số bản án, quyết định nhận được ý kiến thẳng thắn về hạn chế và có nhiều bản án có nội dung được đề xuất đưa vào nguồn phát triển án lệ.
Giải pháp giúp nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án Sự giám sát của người dân có tác động nhất định đến những người làm công tác trong ngành tòa án. Khi bản án, quyết định được công khai thì Thẩm phán trực tiếp ban hành bản án, quyết định đó sẽ thận trọng, trách nhiệm hơn.
Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn và yêu cầu của cải cách tư pháp, Việt Nam cần có lộ trình công khai bản án. So với công khai bản án trên các ấn phẩm, tập san, tạp chí về pháp luật, việc công khai trên mạng điện tử có sức lan truyền mạnh hơn, người dân có thể dễ dàng tra cứu các loại bản án mà mình quan tâm, từ đó giúp cho việc nghiên cứu, học tập, tìm hiểu tốt hơn, đồng thời để người dân đánh giá, giám sát chất lượng của bản án, quyết định một cách kịp thời.
Do đó, việc công khai bản án vừa tạo ra áp lực cho các Thẩm phán đồng thời giúp Thẩm phán nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ. Khi Thẩm phán biết rằng các quyết định của mình được công bố công khai và sẽ được mọi người đọc, nghiên cứu, tìm hiểu, bình luận thì phải nâng cao tự ý thức tuân thủ đúng quy định của pháp luật và xét xử một cách công bằng, nghiêm minh. Ngoài lập luận, áp dụng pháp luật, các Thẩm phán còn phải hoàn thiện cả về kỹ thuật văn bản và ngữ pháp để làm cơ sở cho người dân tìm hiểu, đánh giá quá trình áp dụng pháp luật.
Ông Nguyễn Trí Tuệ cho biết thêm, do yêu cầu bản án công khai phải thể hiện tính chuẩn mực, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng chương trình tập huấn, nâng cao kỹ năng viết bản án cũng như hướng dẫn cách đăng tải lên trang điện tử cho tất cả thẩm phán của Tòa án nhân dân các cấp và cán bộ có liên quan.
Tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền pháp luật
Thực trạng hiện nay việc tuyên truyền pháp luật cho người dân vẫn còn nhiều hạn chế về nội dung và hình thức. Bằng việc công bố công khai bản án, các tầng lớp nhân dân có cơ hội để tiếp cận thuận lợi, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật rộng rãi bởi từng quy phạm pháp luật đã được Tòa án cụ thể hóa, áp dụng giải quyết trong từng vấn đề của vụ án.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, hiện nay chúng ta thường tuyên truyền các quy định pháp luật mang tính mô phạm, người dân khó hình dung, khó hiểu hơn việc tuyên truyền thông qua các vụ án cụ thể. Theo Luật sư, phán quyết, ra bản án là một quá trình trong tố tụng, trong đó thể hiện vai trò trách nhiệm của Tòa án, quyền và nghĩa vụ của người dân. Khi người dân đọc bản án có thể hiểu những căn cứ pháp lý, nhận định pháp luật, nhận thức được đâu là hành vi phạm tội, hành vi trái với quy định của pháp luật, ý thức được cách cư xử của bản thân. Trên cơ sở công khai minh bạch các bản án, người dân sẽ hiểu được các hoạt động của tòa án, đồng thời có tác động răn đe trước các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, các quy phạm pháp luật đến với người dân một các cụ thể, dễ hiểu, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân, góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân nên áp lực với Tòa án sẽ giảm đi. Do đó việc công khai bản án có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, từ đó có thể giảm bớt, hạn chế tình trạng kháng án, khiếu nại.