Chủ doanh nghiệp khóc khi mua phải đất đã quy hoạch

“Không chỉ là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mà phải phát triển doanh nghiệp trong khu vực nông nghiệp, nông thôn”. Đó là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố Đà Lạt đã đạt hiệu quả cao. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan soạn thảo, Nghị định mới tập trung vào các vấn đề: mở rộng diện doanh nghiệp, dự án được Nhà nước hỗ trợ; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; bổ sung cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong các giai đoạn phát triển thị trường, làm thương hiệu, hỗ trợ sản phẩm có lợi thế; cải cách thủ tục hành chính và cơ chế về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Doanh nghiệp không cần tiền hỗ trợ

Tại cuộc họp, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho hay đã chứng kiến chủ doanh nghiệp cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khóc vì mua một miếng đất để làm nhà máy rồi sau đó tìm hiểu, đất đó là quy hoạch đất nông nghiệp. “Phải có công bố công khai quy hoạch và quy định ai là người giám sát quy hoạch này”, bà Hằng nói. 


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu số liệu cả nước có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chiếm gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. Đây là con số nhỏ bé trong khi nông nghiệp có nhiều tiềm năng và thị trường nông thôn rộng lớn.

Nguyên nhân của thực trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng đầu tiên là vướng mắc về đất đai. “Chúng ta còn lúng túng khi triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất và thêm vào đó là chính sách dồn điền đổi thửa, tạo lập một thị trường chuyển nhượng đất đai. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Thứ hai là chính quyền địa phương dễ thay đổi quy hoạch sử dụng đất, gây ra rủi ro rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp. Thứ ba, chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả khiến ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay vốn.

Theo Phó Thủ tướng, muốn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước phải có các chính sách, giải pháp về cơ chế, pháp lý hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm bằng cách phát triển thị trường buôn bán, sàn giao dịch nông sản. “Có các định chế này, doanh nghiệp mới yên tâm”.

Các ý kiến tại cuộc họp đều đánh giá Nghị định 210/2013/NĐ-CP đã không giải quyết được những vướng mắc trên nên kết quả hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, sau 3 năm thực hiện chỉ thu hút được 64 dự án ở 23, tỉnh, thành phố của cả nước (trong đó phần nhiều là các dự án của doanh nghiệp đăng ký thêm). Ngoài ra, Nghị định quy định nhà nước hỗ trợ vốn nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn nên vốn bố trí cho 64 dự án này sau mỗi năm bị bớt đi một nửa. “Năm 2015 bố trí được 168 tỷ đồng. Năm 2016 là 78 tỷ và năm 2017 chỉ bố trí tiếp được 32 tỷ đồng, trong tổng số 380 tỷ mà nhà nước cam kết”, ông Tuấn cho hay.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp nói, họ không cần tiền hỗ trợ của Nhà nước. Mà nếu Chính phủ có đủ tiền để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng không phải là điều ta mong muốn. Quan trọng phải là phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc để không chỉ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và trong khu vực này nảy nở ngày càng nhiều doanh nghiệp hơn”.

Do đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị đổi tên Nghị định thành phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn thay vì chỉ có khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khi nhiều gia trại, trang trại, hợp tác xã có năng lực sản xuất lớn nhưng chưa phát triển thành doanh nghiệp. Thêm vào đó, cơ quan soạn thảo cần đặt vấn đề khởi nghiệp trong nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Đề cập đến một số quy định về hỗ trợ vốn của dự thảo Nghị định, Phó Thủ tướng cho rằng: “Nhà nước bỏ ra ít thôi, hoặc không bỏ thêm ra mà chỉ có thể là bớt thu từ thuế, hỗ trợ tín dụng, đất đai mà thôi’.

Nâng thành Luật phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn

Trong khi đó, để giải quyết vướng mắc lớn nhất là về tích tụ ruộng đất, đại diện Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, các giải pháp cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự thảo đều có những bất cập so với pháp luật hiện hành nên không dễ thực hiện.

Còn ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, thủ tục hành chính là điều nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ca thán. “Các Bộ, lãnh đạo tỉnh giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh rất nhanh nhưng cấp Sở, ngành của địa phương lại rất lâu”, ông Hùng nói.

Giải trình về dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng Nghị định mới này hướng dẫn việc thực hiện của rất nhiều luật, gồm Luật đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… nhưng để xử lý triệt để các vướng mắc nêu trên, cần phải sửa lại các Luật.

“Về tích tụ ruộng đất, Nghị định này không xử lý cho hoàn hảo được mà phải sửa Luật Đất đai. Về hỗ trợ vốn, phải sửa pháp luật về thuế… Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ lựa chọn các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ để xây dựng thành khuôn khổ pháp lý”, ông Thu nói.

Về lâu dài, ông Đào Quang Thu đồng tình với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng cần phải có một Luật về phát triển doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để tạo ra cơ chế đột phá.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng trong khi chưa xây dựng được luật, vẫn phải ban hành Nghị định mới với các nội dung phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

Theo Phó Thủ tướng, cơ quan soạn thảo xây dựng, hoàn thiện lại dự thảo Nghị định, lưu ý việc cập nhật các nội dung của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (dự kiến được Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 3) và các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 về thể chế kinh tế thị trường.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư coi trọng các nội dung về tạo thuận lợi thương mại, mở rộng đối tượng điều chỉnh, quy định công bố công khai quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, các chính sách liên quan tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…

Vân - Chung (TTXVN)
Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao – 'chìa khóa' phát triển 'tam nông' bền vững
Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao – 'chìa khóa' phát triển 'tam nông' bền vững

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa họp với các bộ, ngành bàn về việc triển khai Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao có lãi suất thấp hơn từ 0,5- 1,5% so với lãi suất thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN