Trong đó, Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 4/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về các mục: Người không đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, người không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt theo quy định của Luật luật sư; miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; bãi nhiệm thành viên Ban chủ nhiệm, Chủ nhiệm Đoàn luật sư; phối hợp xây dựng Đề án Đại hội nhiệm kỳ, Đề án Đại hội bất thường, phương án xây dựng nhân sự bầu Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam; bãi nhiệm Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam; thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân.
Ngày 8/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về các mục: Điều kiện kinh doanh, cấp và thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô; điều kiện kinh doanh, cấp và thu hồi giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động.
Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Nghị định gồm 3 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cụ thể: Sửa đổi Điều 36 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh (về hành vi bán hàng đa cấp bất chính); sửa đổi Điều 42 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (về hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp).
Ngày 16/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021. Nghị định gồm 2 điều, bổ sung khoản 16 Điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Nghị định gồm 10 chương, 43 điều quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, cụ thể: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; mức đóng, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, phương thức đóng bảo hiểm y tế của một số đối tượng; thẻ bảo hiểm y tế; mức hưởng, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế...