Nhận định được đưa ra tại hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 18/10 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều thách thức
Đánh giá về tình hình an toàn thực phẩm tại Việt Nam, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, mặc dù đã từng bước được cải thiện trong những năm gần đây, tuy nhiên do quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng không ổn định, thiếu minh bạch nên tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm của nước ta vẫn còn ở mức cao so với các quốc gia phát triển.
"Nguyên nhân cốt lõi là do các chính sách, pháp lý chưa đầy đủ và chưa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, hạ tầng sản xuất kinh doanh thực phẩm yếu, logistics thiếu, lạc hậu, thiếu minh bạch, không sự chia sẻ giữa các bên và hệ thống giám sát, thanh kiểm tra chưa hiệu quả, chặt chẽ", ông Tiệp cho biết.
Để khắc phục tình hình, cần tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ nuôi trồng, chế biến, phân phối, tiêu thụ; trong đó, xác định khâu trọng yếu của chuỗi là các trang trại, hợp tác xã đến các chợ đầu mối và nhà bán lẻ lớn; đồng thời, cần phải chuẩn hóa những khâu trọng yếu này và minh bạch chia sẻ thông tin giữa các bên để cùng nhau giám sát đường đi của thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề minh bạch trong đảm bảo an toàn thực phẩm tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch lo ngại, thời gian gần đây, đã xuất hiện hành vi gian dối, biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ “đội lốt” nhãn mác VietGAP để đưa hàng vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho những nông dân làm VietGAP chân chính mà còn gây mất lòng tin của người tiêu dùng và xã hội.
Còn Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong tư duy sản xuất, kinh doanh của nhiều cá nhân, tổ chức tại Việt Nam vẫn còn mang nặng tính đối phó với các loại giấy tờ thủ tục mà chưa thật sự chú trọng đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn thích mua thực phẩm giá rẻ ở các chợ dân sinh, chợ tự phát …những nơi không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng.
Đồng tình với ý kiến này, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhìn nhận, trong hệ thống sản xuất, lưu thông, phân phối thực phẩm hiện nay còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa chú trọng chọn vật tư, con giống để cho ra sản phẩm chất lượng mà chỉ chọn theo giá rẻ, lợi nhuận cao. Sản xuất còn theo phong trào, theo sự đồn thổi của thị trường, gây thừa, thiếu sản phẩm trên thị trường.
Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, kiến thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn kém. Nhiều nơi sản xuất, chế biến thực phẩm chưa được đầu tư bài bản, không đảm bảo vệ sinh, có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, nguồn gốc chế biến thực phẩm chưa được xét nghiệm, nguyên liệu dùng trong chế biến hết hạn sử dụng….
Ở góc độ đơn vị trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm, ông Trần Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã Phước An (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các hợp tác xã gặp vô vàn khó khăn trên con đường chuẩn hóa sản phẩm của mình. Dù rất muốn xây dựng cơ sở chế biến đạt chuẩn, quy mô lớn nhưng đến nay Hợp tác xã Phước An vẫn chưa thể triển khai do không được địa phương hỗ trợ thuê đất, thuê của tư nhân thì không được lâu dài do liên tục bị “đòi” địa điểm. Trong khi đó, công tác kiểm tra, hậu kiểm của các đơn vị quản lý còn rất chồng chéo, dẫn đến một cơ sở phải tiếp hết đoàn kiểm tra này đến đoàn kiểm tra khác.
Nêu cao trách nhiệm của cả cộng đồng
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề diễn ra từng ngày, từng giờ. Do đó, việc quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" mới vào cuộc mà phải thực thi liên tục. Phải đưa vấn đề an toàn thực phẩm vào trong tâm thức hàng ngày của mỗi người. “An toàn thực phẩm nên là câu chuyện của mỗi gia đình, liên quan đến con cái của chúng ta, bởi biết đâu những đứa trẻ khi ra đường ăn nhầm thực phẩm không đảm bảo an toàn thì sao?", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề.
Do đó, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của các cơ quan Nhà nước mà là việc của mỗi người, của cả xã hội, cộng đồng.
“Nếu dồn hết gánh nặng pháp lý cho cơ quan nhà nước thì trách nhiệm của xã hội ở đâu, trách nhiệm của doanh nghiệp ở đâu? Nhất là với nông dân, thành phần chính trong nền nông nghiệp cũng cần phải có trách nhiệm với các sản phẩm của mình. Tất cả phải cùng chung tay giúp xã hội thay đổi, giúp nông dân thay đổi cách sản xuất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc trưng của ngành sản xuất nông nghiệp là tạo ra nông sản, tác động tới sức khoẻ của rất nhiều người, thậm chí cả một thế hệ. Do đó, các quy định quản lý phải được kiểm soát chặt chẽ, phải làm sao để giấy chứng nhận không đơn thuần là giấy thông hành mà là một tài sản giá trị, một bảo chứng để người nông dân hãnh diện.
Chung quan điểm, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực phẩm an toàn là yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn của cuộc sống. Một tín hiệu vui là hiện nay nhận thức về an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao. Vấn đề này hiện không chỉ là mối quan tâm của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước hay những người có thu nhập cao mà là của toàn xã hội, do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là xu thế tất yếu.
“Chúng ta đã qua rồi thời ăn cho no mà phải chuyển sang ăn ngon, ăn an toàn. Do đó, thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải chú trọng đến an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm chính là động lực của sự phát triển, là mục tiêu của sự phát triển”, Bộ trưởng Lê minh Hoan nhìn nhận.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, an toàn thực phẩm phải được thực hiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu dùng. Mỗi thành phần trong chuỗi thực phẩm an toàn không nên chỉ quan tâm đến mình mà phải quan tâm và chia sẻ với các khâu khác trong chuỗi bởi nếu đầu vào không an toàn thì đùng mong đầu ra có sản phẩm an toàn. Các doanh nghiệp cần hỗ trợ và chia sẻ “có lợi ích cùng hưởng, có rủi ro cùng gánh vác” với người nông dân để sự gắn kết, hợp tác được bền vững.
Ở góc độ quản lý, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các ban, ngành liên quan giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm; trong đó, vừa phát triển chuỗi thực phẩm an toàn vừa chống thực phẩm bẩn để bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn.