Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chủ động bắt tay vào xây dựng các dự thảo kèm theo để triển khai đồng bộ các giải pháp, đảm bảo 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động có hiệu lực sẽ không nằm trong tình trạng “Luật chờ Nghị định”.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nhân dịp năm mới Canh Tý 2020.
Bộ trưởng có thể cho biết một số kết quả nổi bật của ngành trong năm 2019?
Năm 2019, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn và đã đạt, vượt cơ bản các mục tiêu đề ra, nhất là trong ba đột phá gồm: Xây dựng thể chế; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.
Ngành quan tâm hai nội dung cơ bản là chăm sóc, chăm lo cho người có công; chăm sóc và bảo vệ, giáo dục trẻ em. Trên cơ sở đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành toàn bộ 196 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Ngành đã hoàn thành được ba chỉ tiêu rất căn bản mà Quốc hội giao, đó là giảm nghèo; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; giảm tỷ lệ thất nghiệp. Chính việc hoàn thành ba chỉ tiêu này đã góp phần rất quan trọng cùng cả nước hoàn thành 12 chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả nước năm 2019.
Như Bộ trưởng đã nói, năm 2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tạo ra bước đột phá trong công tác lao động và rất quan tâm đến chính sách chăm lo cho người có công, ông nói rõ hơn về việc này?
Chúng ta thấy rất rõ, năm 2019, thành công trong xây dựng thể chế, đặc biệt là việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình với Chính phủ để trình Quốc hội phê chuẩn và thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Đó là dấu ấn rất lớn và chúng ta đã tạo ra một tâm thế mới, định hướng mới, quản lý mới trong phát triển thị trường lao động. Chúng ta đã hoàn thành tất cả các đề án, chương trình do Chính phủ đề ra.
Kết quả công tác giảm nghèo đạt tương đối tốt khi tỷ lệ giảm nghèo tính đến cuối năm 2019 chỉ còn dưới 4% và chúng ta đạt được 1,35% mức độ giảm nghèo. Nếu theo ba tiêu chí mà Liên hợp quốc đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,45% và quốc tế cho rằng, đây là một thành công ngoạn mục của Việt Nam.
Cùng với đó, lĩnh vực người có công cũng tạo ra những đột phá rất mạnh mẽ khi đã giải quyết căn bản đến 95% hộ người có công khó khăn về nhà ở đã được thực hiện theo Quyết định 22 của Thủ tướng. Hiện đã giải quyết, xác nhận và công nhận trên 1000 trường hợp là liệt sỹ, chủ yếu hy sinh thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Cho đến nay, 22 tỉnh, địa phương đã hoàn thành căn bản việc xác nhận hồ sơ người có công. Các trường hợp này đang từng bước được số hóa để đưa vào thực hiện.
Thị trường lao động cũng có những kết quả nổi bật như, giáo dục nghề nghiệp có một bước đổi mới và nâng cao về chất lượng, đặc biệt, đã vượt 7% chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Công tác này đang gắn kết hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; đặt hàng đào tạo tạo nghề, đào tạo thí điểm theo Chương trình chuyển giao từ Đức và Australia. Ngành đã tham mưu cho Nhà nước tổ chức diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để tạo ra một sự đột phá trong chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, nâng cao năng suất lao động Việt Nam.
Đối với vấn đề việc làm, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện chỉ có 2,2% và có những quý xuống 1,98%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức 3%. Đây là một tỷ lệ thất nghiệp lý tưởng trong thời gian qua.
Năm 2019, Việt Nam đã đưa tới 152 ngàn người đi lao động ở nước ngoài, đây là con số cao nhất nhiều năm qua. Điều đáng quan tâm là trong đó có những thị trường mới, thị trường tiềm năng, ở những lĩnh vực, những ngành nghề làm việc thuận lợi và có thu nhập cao. Đồng thời, đảm bảo cho lao động được bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao kiến thức, tính kỷ luật, kỷ cương lao động. Các lĩnh vực khác như bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội cũng được triển khai tương đối toàn diện.
Có thể thấy, 2019 là một năm mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành rất tốt các chỉ tiêu mà cấp có thẩm quyền giao phó.
Thưa Bộ trưởng, có một thực tế là khi triển khai luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm, gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng và người dân. Bộ luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ năm 2021 và tác động sâu rộng đến xã hội. Để Luật có hiệu lực từ 1/1/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ hướng dẫn, triển khai thực hiện luật như thế nào?
Bộ luật Lao động được thông qua là một quyết sách rất sáng suốt, có tầm nhìn dài, có tính chất chiến lược của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là những vấn đề như điều chỉnh, mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh; những vấn đề điều chỉnh tiền lương tối thiểu; những vấn đề chuyển mạnh sang thương lượng, hay là phát triển các tổ chức bên cạnh tổ chức Công đoàn ở trong doanh nghiệp. Đặc biệt là vấn đề điều chỉnh, nâng dần tuổi nghỉ hưu để thích ứng với các thách thức mới trong thời gian tới đang đặt ra. Bộ luật Lao động ra đời, hình thành và bắt đầu có hiệu lực, sẽ làm thay đổi hai chuyện rất quan trọng, đó là tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động.
Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng Bộ luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động bắt tay vào xây dựng các dự thảo kèm theo. Cho đến nay, chúng tôi đã trình với Chính phủ và Chính phủ đã ban hành kế hoạch để triển khai đồng bộ các giải pháp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công công việc với từng ngành, từng cấp làm sao để khắc phục bằng được tình trạng “Luật chờ Nghị định”. Thái độ và tinh thần của chúng tôi là 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động có hiệu lực, tất cả các Nghị định, Thông tư, quyết định của Thủ tướng, bao gồm 14 Nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng, 8 Thông tư của Bộ trưởng, sẽ đồng thời có hiệu lực từ 1/1/2021. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm được điều này và thành công. Bộ luật Lao động sẽ có sức sống rất dài trong lịch sử xây dựng pháp luật lao động Việt Nam.
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2020, công tác giảm nghèo bền vững với các hộ nghèo, hộ chính sách không có điều kiện và khả năng thoát nghèo sẽ được Bộ triển khai theo những hướng nào, thưa ông?
Phải nói rằng chúng ta hiện rất vui với kết quả giảm nghèo trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác này vẫn đặt ra rất nhiều thách thức. Cuộc chiến đấu giảm nghèo không phải ngày một, ngày hai và phải xác định ngày càng khó hơn. Nhưng không có nghĩa là vì thế mà lùi bước. Phải quyết liệt thực hiện với tư tưởng là giảm nghèo bền vững và chỉ có giảm nghèo bền vững, đời sống của người dân mới được nâng cao, khoảng cách chênh lệch mới giảm đi. Chỉ khi đó, chúng ta mới phát triển toàn diện và bao trùm “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Với phương châm đó, chắc chắn năm 2020, chúng ta phải có một tư duy mới. Trước hết, phải xây dựng một chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở là vừa tiếp cận những kinh nghiệm, thành công của nhiệm kỳ này, bao gồm: về thu nhập, về các tiêu chí thiếu hụt như vệ sinh, nước sạch, thông tin, giáo dục…
Đồng thời, phải thay đổi ba vấn đề căn bản. Trước hết là vùng lõi nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chắc chắn chúng ta phải xây dựng một chương trình, mục tiêu quốc gia đồng thời với giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Chúng ta phải tách những nơi, những khu vực và những người có khả năng thoát nghèo. Với nhóm này, chúng ta chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, cung cấp điều kiện nhưng không bao cấp và cũng không cho không. Nhưng sẽ tạo cơ chế tốt nhất để vùng đó, người đó thoát nghèo. Hiện nay chúng ta có rất nhiều tấm gương hay chủ động thoát nghèo. Cách làm đó sẽ như vậy!
Với những người không có khả năng thoát nghèo do hoàn cảnh, sức khỏe, tật nguyền… chúng ta sẽ chuyển mạnh sang hỗ trợ, bảo trợ xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa là khi chuyển những đối tượng này sang bảo trợ xã hội mà không quan tâm, chỉ để hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Thực hiện như vậy sẽ không ổn. Chúng ta sẽ làm theo cách để họ tiếp tục được thụ hưởng chính sách bảo trợ hơn mức bình thường và có biện pháp khuyến khích để họ không ỉ lại. Tin rằng với tinh thần đó, năm 2020 sẽ là năm khởi phát chương trình giảm nghèo và tiến tới chương trình mục tiêu là tiêu chí giảm nghèo sẽ cao hơn, kể cả địa phương, đối tượng, vùng miền, từ đó thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân.
Năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu, thưa Bộ trưởng?
Phải nói rằng việc hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước thời gian qua có bước chuyển biến rất căn bản. Từ chuyện tập trung lo việc làm, thu nhập thì đến nay, chúng ta không dừng lại ở đó mà còn lo chất lượng nguồn nhân lực ở đầu ra, ngoại ngữ, công việc trước khi được đào tạo. Phải nói rằng, thời gian vừa qua, chúng ta giảm dần việc phụ thuộc người lao động đi chỉ vì việc làm, đi chỉ vì thu nhập. Hiện nay, người lao động bắt đầu có yêu cầu cao hơn. Vì vậy, tôi đã làm việc với Cục Quản lý Lao động ngoài nước, các ngành về việc này.
Thời gian tới sẽ có bốn địa bàn cơ bản, tập trung vào tiềm năng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ làm việc cụ thể với sứ quán, các cơ quan, nghiệp đoàn các nước cũng như các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam. Nhất thiết chúng ta chỉ lựa chọn những địa bàn tiềm năng, địa bàn đảm bảo quyền lợi cho người lao động và ở đó người lao động được đảm bảo về kỹ năng, được nâng cao về chuyên môn, được nâng cao về ngoại ngữ thì chúng ta ưu tiên các địa bàn này. Chúng ta cũng chỉ lựa chọn những địa bàn có chiều hướng tốt. Ưu tiên khu vực châu Âu, Nhật Bản, Đức, Romania, Séc, Hungary.
Bên cạnh đó, phối hợp với các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước để tập trung cao hai việc gồm: đào tạo đầy đủ kỹ năng trước khi đi và làm sao để người lao động đi ra nước ngoài có đầy đủ các chế độ chính sách, sau ba năm họ quay trở về thì họ phục vụ đất nước với một tâm thế, kỹ năng lao động, ý thức tổ chức kỷ luật và nguồn vốn nhất định để khởi nghiệp trong nước.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!