Tình yêu vẫn vẹn nguyên với trái bóng tròn

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã gần 30 năm kể từ giải Vô địch bóng đá châu Âu 1988...

Hình ảnh của mùa EURO 2016 lại làm sống dậy những kỷ niệm của mùa EURO nhiều năm về trước. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi những trái tim cuồng nhiệt của thế giới bóng đá đang hướng về Paris - nơi quả bóng “Beau Jeu” đang lăn tròn trên sân cỏ, thì những tín đồ túc cầu người Hà Nội lớn lên trong thời bao cấp như chúng tôi lại bồi hồi nhớ lần đầu tiên được xem EURO trên ti vi, nhớ đến "tình yêu đầu tiên" của mình. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã gần 30 năm kể từ giải Vô địch bóng đá châu Âu 1988...

Không giống như bây giờ tại hầu hết các gia đình có ti vi chuẩn HD để thưởng thức trọn vẹn những hình ảnh đẹp nhất của trái bóng tròn “Beau Jeu”, ngày đó xóm nhỏ của chúng tôi ở 76B Dốc Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đếm trên đầu ngón tay chỉ được vài chiếc ti vi đen trắng.

EURO năm ấy, cả xóm như vào mùa lễ hội. Cứ nhà nào có ti vi thì nửa đêm rạng sạng lại đông đảo hàng xóm láng giềng cùng chủ nhà quây quần hồi hộp theo dõi từng đường bóng lăn. Người thì yêu đội tuyển Italy, người lại hâm mộ đội tuyển Anh, người thì thích đội tuyển Đức nhưng Liên Xô mới là đội tuyển quốc gia chiếm được tình cảm của phần lớn người hâm mộ. Từ người già, trung niên đến lớp thanh, thiếu niên đều nằm lòng những cái tên như Oleg Kuznetsov, Igor Belanov, Alexei Mikhailichenko, hay "người nhện" Rinat Dasayev, ông bầu Valery Lobanovsky...

Ngày đó chúng tôi còn non nớt để có thể hiểu được thế nào là EURO, để có thể lý giải được tại sao các cầu thủ không chịu đợi đến chiều mà cứ nửa đêm thì rủ nhau đi đá bóng, vì sao cứ phải đợi đến bốn năm các cầu thủ mới gặp nhau để đá một trận.

Còn nhớ, trận đấu đầu tiên tôi xem trọn vẹn là trận chung kết giữa đội tuyển Liên Xô và đội tuyển Hà Lan. Đó cũng là nơi tôi bắt đầu tình yêu với "Cơn lốc màu da cam", với bộ ba "Hà Lan bay" của bóng đá xứ sở hoa Tulip. Khi trận đấu ở những phút đầu tiên, tôi hỏi: "Cầu thủ có mái tóc dài đang chạy kia là ai vậy, ở đội nào thế?". Ba tôi đáp, đó là Ruud Gullit của đội tuyển Hà Lan. Tôi nói như chắc chắn: "Vậy Hà Lan sẽ vô địch". Câu nói của tôi khiến mọi người trong nhà cười phá lên. Một người bảo: "Liên Xô sẽ thắng thôi, Liên Xô thắng thì sẽ có thêm viện trợ".

Khi thấy người lớn tuổi và đám thanh niên hò hét, vỗ đùi đen đét tiếc nuối trước những pha bóng hỏng ăn của các cầu thủ Liên Xô, rồi sôi nổi bàn luận số phận trận đấu, tôi đã thấp thỏm lo cho Hà Lan. Nhưng pha đánh đầu tuyệt đẹp của Ruud Gullit ở phút 32 rồi anh chạy như điên loạn về góc sân ăn mừng bàn thắng khiến tôi bật lên, sung sướng la hét như thể bị kìm nén từ lâu.

Nối đó là Marco Van Basten hạ gục Rinat Dasayev bằng một cú vô lê hoàn hảo ở một góc cực hẹp trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Hai tuyệt phẩm này đã nhấn chìm hoàn toàn Liên Xô, mang chức vô địch về cho Hà Lan. Nhìn Ruud Gullit cười rạng rỡ, tay nâng cao chiếc cúp và xung quanh anh là Marco Van Basten, Frank Rijkaard, Arnold Muhren, Erwin Koeman... tôi hiểu rằng, mình yêu bóng đá và đội tuyển Hà Lan từ đó.

Đã gần 30 năm kể từ giải Vô địch bóng đá châu Âu 1988. Đời sống đi lên, công nghệ viễn thông, truyền hình ngày càng phát triển tiên tiến, hiện đại. Thông tin bóng đá tràn ngập và các cuộc tranh tài đỉnh cao truyền hình trực tiếp ngày một nhiều. Đã không còn cảnh những gia đình có ti vi lại chật ních hàng xóm, láng giềng hồ hởi, sung sướng nhìn đường bóng lăn. Người hâm mộ cũng không còn phải chờ nhiều năm mới được ôm vai bá cổ sung sướng xem một giải đấu đỉnh cao. Bây giờ, gần như đêm nào trên ti vi cũng có tường thuật trực tiếp từ World Cup, EURO, Copa America đến Seri A, Ngoại hạng Anh hay La Liga...

EURO 2016 này cũng thế. Đã không còn quy mô 8 đội tranh tài như EURO 1988 mà mở rộng lên đến 24 đội bóng với những anh tài ở lục địa già như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, Thụy Điển, Italy, Croatia... Và "trận đấu đẹp" đang lăn tròn trên sân cỏ nước Pháp mà vắng mặt "Cơn lốc màu da cam" - sự vắng mặt đầu tiên kể từ năm 1984.

Có lẽ trong tình cảm, niềm tin của những người yêu mến bóng đá xứ sở hoa Tulip, sự vắng mặt đó là bước chuyển của Hà Lan sau mỗi chu kỳ thành công. Một thế hệ tài hoa của bóng đá Hà Lan đã đi qua và đang đợi da cam thổi cơn lốc mới đẩy lớn những ngôi sao trẻ như Depay hay Clasie.

Cũng không còn đội tuyển Liên Xô từng cuốn phăng Pháp, Đức và Italy hùng mạnh năm nào mà kế thừa đó là đội tuyển Nga. Những người vẫn vẹn nguyên một tình yêu với xứ sở bạch dương nhủ thầm: Những kỳ giải trước, đội bóng Đông Âu này thường thừa tài năng mà thiếu một chút bản lĩnh và may mắn thì năm nay lại ngược lại. Nhưng khách quan thì dường như với "Gấu Nga", có lẽ việc tham dự Vòng chung kết năm nay và khởi đầu là trận hòa kịch tính 1 - 1 trước "Sư tử Anh" ở vòng đấu bảng đã là niềm vui lớn. Đường đến đỉnh vinh quang có phần quá sức với những Alan Dzagoev, Denis Cheryshev, Aleksandr Kerzhakov, Vassily Berezutski...

Nhưng với những người hâm mộ bóng đá thì có một tình yêu không đổi. Đó như những cảm xúc từ nước mắt, nụ cười của cầu thủ, từ những phấn khích, những vượt qua giới hạn của toan tính chiến thuật. Đó là cú đấm tay thình thịch vào đùi của anh chàng mê bóng đá quá mà cả nhà đang ngủ không được hét. Đó là đôi giọt nước trong veo trên bờ mi của fan nữ khi thấy những cầu thủ mình yêu thích đổ vật ra sân sau thất bại cay đắng, hay đôi mắt tròn xoe của một cô bé, cậu bé lần đầu tiên thấy những nhà vô địch giương cúp sau bao mùa lỗi hẹn. Đó chính là thứ tình yêu không bao giờ đổi thay.

Anh Tùng (TTXVN)
Pháp “bội thu” nhờ EURO 2016
Pháp “bội thu” nhờ EURO 2016

Sau ba ngày kể từ khi Vòng chung kết bóng đá châu Âu EURO 2016 chính thức khởi tranh, nước Pháp lại đón một tin vui về kinh tế khi EURO 2016 sắp vượt mọi kỷ lục về tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN