Mới chỉ giành được vẻn vẹn 1 điểm sau 2 vòng đấu đầu tiên, đoàn quân của HLV Ngô Quang Trường đầy âu lo khi hành quân đến sân Thống Nhất để làm khách trên sân Thống Nhất của Sài Gòn FC.
Việc Bá Sang phải nhận thẻ đỏ ở trận gặp HAGL (trước đó là Văn Khánh), khiến SLNA không thể có được sự phục vụ của 2 trung vệ trong cuộc so kè với Sài Gòn FC trên sân Thống Nhất lần này. Hàng thủ của đội bóng xứ Nghệ chắc chắn sẽ trở nên mong manh.
Đáng chú ý, tiền đạo Phan Văn Đức đang bị đau nhẹ và chưa chắc đã có thể tham dự trận đấu này với trạng thái thể lực sung mãn nhất. Nếu Văn Đức không thể ra sân trong trận đấu này sẽ là tổn thất không nhỏ với đội chủ sân Vinh bởi tiền đạo 25 tuổi này đang là nhân tố quan trọng nhất trong đội hình SLNA.
Trong lịch sử 10 lần đối đầu, thành tích của hai đội là khá cân bằng. Sài Gòn FC thắng 3, hoà 3 và thua 4. Tuy nhiên, SLNA chưa bao giờ đánh bại được Sài Gòn FC trên sân Thống Nhất kể từ khi đội bóng áo hồng thăng hạng chuyên nghiệp.
Chủ nhà Sài Gòn FC được đánh giá có lực lượng ổn hơn. Vấn đề mà thầy trò HLV Vũ Tiến Thành chính là các tiền đạo vẫn chưa hòa nhập. Ở trận đấu với Bình Định, khi Đỗ Merlo bị khoá chặt thì xem như hàng công tắt điện.
Trong khi đó, sau 2 trận chỉ giành được 1 điểm, HLV Petrovic cùng Thanh Hoá hướng tới trận thắng đầu tay khi tiếp người hàng xóm Nam Định, vòng 3 LS V-League 2021.
Đáng chú ý, trước cuộc đối đầu với Nam Định, Thanh Hóa kịp ký hợp đồng với Gramoz Kurtaj - cựu cầu thủ của Nam Định, người đã ghi 2 bàn ở vòng 1 giúp đội bóng thành Nam bất ngờ giành chiến thắng tưng bừng 3 - 0 trước đương kim Á quân Hà Nội FC trên sân Thiên Trường.
Tính đến thời điểm này, các trận đấu trên vẫn diễn ra theo lịch. Tuy nhiên, các trận đấu này cũng có thể hoãn vì dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 bùng phát bất ngờ ở một số địa phương và đang diễn biến phức tạp khiến Ban điều hành V-League đi đến quyết định phải tạm hoãn giải đấu ngay từ vòng 4.
Ở vòng 3, có ít nhất 4 trận đấu đã tạm hoãn, các trận đấu còn lại phải đá trong điều kiện không có khán giả.
Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch VPF cho biết, chưa thể ấn định ngày trở lại vì phải chờ vào tình hình, diễn biến của dịch và thông báo mới từ các cơ quan chức năng.
Năm 2020, bóng đá Việt Nam đã có 2 lần tạm hoãn vì dịch COVID-19. Để tổ chức được các giải các giải chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp, giải trẻ thì VFF và VPF cũng đã phải nát óc tính toán phương án, liên tục xoay chuyển để rồi cuối cùng cũng về đích an toàn.
Không chỉ các giải chuyên nghiệp quốc gia chịu ảnh hưởng, kế hoạch hoạt động của các đội tuyển quốc gia cũng sẽ thay đổi và được xây dựng lại. Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và tuyển Malaysia tại Vòng loại World Cup 2022 không thể diễn ra trong tháng 3, khi Malaysia đã chính thức có kiến nghị xin dời lịch sang tháng 6 và chuyển phương án đá tập trung.
Nếu đến tháng 3/2021, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp không thể tổ chức theo thể thức lượt đi - lượt về, AFC sẽ có giải pháp khác. Đây cũng là điều mà VFF cũng đã có sự chủ động để tính toán, khi có 2 giải đấu lớn cuối năm nay là AFF Cup và SEA Games.
Tổng cục TDTT đã ra văn bản tăng cường các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực thể thao.
Theo đó, Tổng cục TDTT yêu cầu tuyên truyền cho cán bộ, VĐV, HLV nâng cao ý thức phòng chống dịch. Rà soát các trường hợp đi về từ các vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người đã bị lây nhiễm COVID-19 để chủ động báo cáo với cấp có thẩm quyền.
Các vụ thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao phối hợp với các liên đoàn thể thao, địa phương theo dõi, giám sát và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong công tác tổ chức các sự kiện thể thao, đặc biệt các sự kiện đang trong thời gian tổ chức. Các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ VĐV, HLV.