Ở tuổi 33, đã từng giành rất nhiều danh hiệu tập thể với Real Madrid trong những năm tháng "chiến đấu" ở Bernabeu, Modric có lẽ không hề nghĩ rằng một ngày nào đó, anh sẽ có mặt ở Paris và nâng trên tay Quả bóng Vàng. Và trong buổi lễ trao danh hiệu của France Football, anh đứng đó, nở nụ cười bẽn lẽn, gần như là nhút nhát kiểu thơ trẻ, nhưng thanh thản và rất hiền trước những camera đưa hình ảnh của anh đi khắp nơi trên thế giới.
Sự bẽn lẽn ấy là dễ hiểu. Modric chưa từng có mặt trong một lễ trao giải như thế, chưa nói gì đến việc là ứng viên số 1 cho danh hiệu cao quý này; chưa từng là một tên tuổi quá lớn trong làng bóng đá thế trong những năm qua và hình ảnh của anh hoàn toàn chìm khuất trên những phương tiện thông tin đại chúng. Anh cũng không phải là một chuyên gia ghi bàn cỡ Ronaldo hay Messi để hết tuần này sang tuần khác buộc người ta phải nhắc đến tên tuổi. Nói riêng về chuyện ghi bàn, Modric mới chỉ ghi 1 bàn, là cầu thủ ghi bàn ít nhất trong lịch sử những mùa bóng mà các Quả bóng Vàng đăng quang!
Nhưng Modric là thế, giản dị, không ầm ĩ (trừ vụ scandal chuyển nhượng từ Dynamo Zagreb sang Tottenham mà anh liên quan), trở thành người đoạt bóng Vàng “bình thường” nhất trong những năm qua. Chưa có một ngôi sao nào của bóng đá "Xứ sở Balkan" ở Đông Nam Âu làm được điều phi thường ấy. Mảnh đất kì diệu của bóng đá ấy đã sản sinh ra không ít những ngôi sao lớn, nhưng họ cũng chỉ vươn lên đến đích cao nhất là Quả bóng Bạc. Savicevic và Pandev đã cùng bằng điểm cho vị trí số 2 (sau Papin) trong cuộc bầu chọn 1991, dù Sao Đỏ Belgrade của họ đã đoạt Cúp C1. Mijatovic đoạt Quả bóng Bạc 1997, khi đang khoác trên mình chiếc áo Real Madrid. Một năm sau đó, sau một World Cup thành công trên đất Pháp, Suker (đồng đội của Mijatovic ở Real) tiếp tục về nhì. Từ sau đó, họ biến mất trên bảng vàng của bóng đá châu Âu. Vùng đất mà họ đã sinh ra và lớn lên cũng trải qua những tháng năm chiến tranh, xung đột và biến động.
Bây giờ, chiến tranh đã qua từ lâu, nhưng vết thương từ những xung đột sắc tộc những năm 1990 vẫn chưa lành ở nơi này. Và thành công của đội tuyển Croatia cùng với Quả bóng Vàng 2018 của Modric giống như một cơn gió lành thổi qua vùng đất đã từng là "ngòi nổ" cho Chiến tranh thế giới thứ nhất ấy. Thành công và sự giàu có hiện tại cũng có thể sẽ giúp Modric quên đi những ngày đau thương đã qua.
Năm 1991, khi Modric mới 6 tuổi, nội chiến Nam Tư nổ ra và cha anh gia nhập quân đội Croatia. Lực lượng quân đội Serbia đã tràn vào vùng đất mà gia đình Modric đang sống ở gần Zara (Croatia), nhằm mở con đường ra biển Adriatic. Họ bắt được ông nội của Modric, khi ấy đang cầm súng trong tay và đã hành quyết ông, sau đó đốt nhà Modric. Modric bé nhỏ không bị giết, bởi lúc ấy cậu đang cùng họ hàng đi săn ở trong rừng. 5 thành viên còn lại trong gia đình Modric chạy xuyên rừng để trốn quân Serbia và cuối cùng đến Zara, và rồi từ đó một cuộc đời lưu vong trên chính mảnh đất của mình bắt đầu. Modric mang theo một thứ duy nhất, quả bóng. Đó chính là vật bất ly thân sẽ theo cậu trong cả phần đời sau này, đưa Modric thoát khỏi những nỗi lo lắng vì chiến tranh và cái chết rình rập, biến anh thành một cầu thủ, và sau đó, là một siêu sao. Bây giờ, siêu sao ấy đã đoạt Quả bóng Vàng, điều mà người đồng hương Mijatovic và Suker 20 năm trước không làm được.
Đương nhiên, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về việc Modric chứ không phải Ronaldo giành Quả bóng Vàng. Ảnh hưởng về mặt truyền thông của siêu sao người Bồ Đào Nha quá lớn. Ronaldo đã gần như đã cá nhân hóa bóng đá hiện đại theo cách của riêng anh, trở thành một hình ảnh lớn trên các mạng xã hội, một thương hiệu bộn tiền và sự tác động của anh lớn đến mức, người ta đã có thể tin rằng, ảnh hưởng của cá nhân như anh lớn hơn cả một tập thể. Sự ra đi của anh mùa Hè vừa qua đã dẫn đến một sự sụp đổ mạnh mẽ ở Real Madrid, trong khi lại tạo ra một sự hào hứng lớn lao trong việc đánh bóng lại tên tuổi của Serie A, khiến cho mọi sân bóng mà Juventus đi qua ngập khán giả, bởi tất cả đều muốn ngắm Ronaldo bằng xương bằng thịt. Người ta cũng đã quen đếm những bàn thắng của anh hết tuần này qua tuần khác và thắng lợi của anh cũng như Messi, đối thủ truyền kiếp của anh suốt một thập kỷ qua, đồng nghĩa với những Quả bóng Vàng, bất chấp người đã chiến thắng ở các EURO và World Cup là ai.
Nhưng năm 2018 này, những giá trị thực sự của World Cup đã trở lại và lấn át những giá trị cũ mà bộ đôi Ronaldo-Messi đã thống trị “sân chơi” Quả bóng Vàng trong suốt 10 năm qua. Những giá trị ấy là các bàn thắng, những kỷ lục tiếp nối kỷ lục, các chức vô địch Champions League của họ đã lấn át cả những người đã giành vinh quang ở các World Cup 2010 và 2014 và EURO 2012. Ban giám khảo của Quả bóng Vàng FIFA, giải kết hợp giữa FIFA và France Football từ 2010 đến 2015, gồm các huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, đội trưởng đội tuyển quốc gia và các nhà báo uy tín trên thế giới đã bị choáng ngợp bởi những gì hai siêu sao ấy đã làm. Không ngạc nhiên khi quãng thời gian thống trị của họ diễn ra chính trong khoảng thời gian ấy. Bây giờ, khi mối quan hệ đó không còn tồn tại, ban giám khảo duy nhất là các nhà báo được quyền bầu chọn, trật tự cũ và giá trị cũ của Quả bóng Vàng trong các năm World Cup đã được tái lập. Đó là Quả bóng Vàng thuộc về người hay nhất của World Cup. Và World Cup, chứ không phải Champions League, là sân chơi đáng mơ ước nhất của bóng đá thế giới. Một kỷ nguyên bóng Vàng với những cuộc đua song mã Ronaldo-Messi (họ luôn số 1 hoặc số 2 trong top 3) đã chính thức khép lại.
Quả bóng Vàng, xét cho cùng, xứng đáng thuộc về Modric, người đến Real Madrid vào năm 2013, và hồi đó đã từng bị một tạp chí Tây Ban Nha bầu là “vụ chuyển nhượng tệ nhất” mùa Hè. 5 năm sau, chúng ta đã thấy một sự trả thù thật ngọt ngào, trên đỉnh thế giới…