PSG 'quá tải' khi sở hữu được Messi

Paris Saint-Germain (PSG) đã rất khéo léo để có thể chiêu mộ Messi mà không sợ vi phạm luật công bằng tài chính (FFP) của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).

Chú thích ảnh
PSG quyết tâm có được Messi và họ đã làm được. Ảnh: DM

Với việc phải trả khoản tiền lương 35 triệu euro sau thuế mỗi năm cho siêu sao Lionel Messi, cộng với gần 38 triệu euro để trả lương cho các hợp đồng mới đến trong hè này là thủ môn Gianluigi Donnarumma, hậu vệ Sergio Ramos, tiền vệ Georginio Wijnaldum..., hiện tổng số tiền mà PSG phải trả lương cho các cầu thủ đã lên tới 302 triệu euro/năm - là đội thể thao trả lương cao nhất hành tinh.

Trước đó, "danh hiệu" này thuộc về đội bóng của Tây Ban Nha Real Madrid khi họ phải chi trả lương cho cầu thủ mỗi năm là 250 triệu euro.  

Có thể nói, trong giai đoạn mà gần như tất cả các đội bóng trên thế giới đều chật vật, điêu đứng vì gặp khó khăn tài chính do COVID-19 thì PSG cứ như có “kháng thể” chống lại con virus đang hoành hành khắp thế giới.

Đến với PSG, Messi sẽ nhận được khoản tiền lương 35 triệu euro sau thuế mỗi năm. Số tiền lương này giúp Messi trở thành cầu thủ nhận lương cao nhất ở PSG, khi bỏ xa 2 đồng đội Neymar (30 triệu euro) và Mbappe (24 triệu euro).

Vậy, liệu PSG có vi phạm luật công bằng tài chính (FFP)?

Năm 2013, La Liga thành lập một Tiểu ban kiểm soát kinh tế với nhiệm vụ xem xét về tài chính của từng CLB và thiết lập giới hạn chi phí cho mỗi mùa giải. Tiểu ban này sẽ thông báo về khoản chi mà mỗi CLB dùng để mua sắm cầu thủ, HLV, các trợ lý và đội hình dự bị… Các CLB có thể linh hoạt quyết định cách phân chia giữa chi phí chuyển nhượng và tiền lương, miễn là không vượt qua giới hạn tổng thể. Các yếu tố được coi là đạt đến giới hạn bao gồm doanh thu dự kiến, lãi và lỗ từ các năm trước, các khoản trả nợ hiện có và các nguồn tài trợ bên ngoài cùng những người khác.

Chú thích ảnh
Bảng lương "khủng" của một số cầu thủ PSG. Ảnh: DM

Các quy tắc tài chính của La Liga được xem là nghiêm ngặt nhất và không hề du di trước bất kỳ thế lực nào hay áp lực từ các đội bóng nổi tiếng. UEFA cũng có hẳn Luật Công bằng tài chính áp dụng cho mọi đội bóng nhưng không giống như La Liga, họ nhìn lại việc chi tiêu trong các mùa giải qua và không ngăn cản việc bổ sung cầu thủ trước. Vì vậy, một CLB bên ngoài Tây Ban Nha có khả năng bổ sung Messi với mức lương cao ngất ngưởng, giành những danh hiệu lớn nhất và nếu bị coi là vi phạm luật chơi công bằng, họ có thể thoát hiểm bằng cách nộp phạt.

Tờ L'Equipe đã tiết lộ, ban lãnh đạo PSG cam đoan việc chiêu mộ Messi không phạm luật FFP.

Trong cuộc gặp thường niên giữa UEFA và EU vào tháng 3/2021, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính của UEFA Andrea Traverso thừa nhận nhiều quy định của FFP không còn phù hợp trong điều kiện các CLB gặp khủng hoảng vì dịch bệnh. Thậm chí, nhiều chuyên gia tài chính của châu Âu thừa nhận khi nào mọi thứ chưa trở lại bình thường, UEFA khó để áp dụng FFP với các CLB bóng đá.

Do đó, UEFA sẽ nới lỏng các quy định hiện tại của FFP nhằm khuyến khích các ông chủ "bơm" thêm tiền cho các câu lạc bộ.

Chú thích ảnh
Đội hình mơ ước của PSG. Ảnh: Marca

Hiện, đội chủ sân Parc des Princes vẫn còn thời gian để bán đi cầu thủ nhằm giảm quỹ lương. Chưa kể, những bản hợp đồng tài trợ đang là chìa khóa giải quyết những vấn đề khó khăn trên. Mà hợp đồng tài trợ áo đấu trị giá 80 triệu euro/mùa đã được tăng rất nhiều với sự có mặt của Messi, giúp đội bóng thành Paris có thể trả lương một cách thoải mái hơn. Việc tiến sâu tại Champions League cũng là lợi thế để PSG được chia tiền bản quyền nhiều hơn.

PSG tin rằng, với "thương vụ" Messi sẽ mang lại quả ngọt cho họ trong vài năm tới từ những hợp đồng tài trợ, bán vé và giá trị của chính gia tăng.

Có thể thấy, một CLB "thuộc sở hữu của cả một quốc gia" như PSG, những đội bóng khác đơn giản là không thể cạnh tranh với họ về nguồn lực tài chính. Những gì người Qatar đang làm với Messi là một minh chứng rõ ràng.

Những năm qua, trong bối cảnh doanh thu không mấy khả quan vì tình hình dịch bệnh, cộng với việc vắng bóng khán giả và tiền bản quyền truyền hình ở Pháp xuống giá, nhưng PSG vẫn khuynh đảo thị trường chuyển nhượng còn nhiều hơn cả Man City ở Ngoại hạng Anh, nhưng họ chưa bao giờ đứng trước việc bị phạt nặng như Man xanh.

Tháng 12/2020, PSG ghi nhận khoản lỗ 124,9 triệu euro ở mùa giải 2019 - 2020. Khi mùa giải 2020 - 2021 kết thúc, công ty kiểm toán KPMG dự tính PSG có thể lỗ 200 triệu euro.
Minh Đăng/Báo Tin tức
Lịch thi đấu vòng 2 Ligue 1 mùa 2021 - 2022: Chờ ngày Messi ra mắt PSG tại Ligue 1
Lịch thi đấu vòng 2 Ligue 1 mùa 2021 - 2022: Chờ ngày Messi ra mắt PSG tại Ligue 1

Mùa giải Ligue 1 năm nay đang trở nên đáng chú ý rất nhiều khi siêu sao Lionel Messi chính thức đầu quân cho CLB Paris Saint-Germain (PSG).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN