Phát triển bập bõm, bóng đá Việt trông chờ một 'Hội nghị Diên Hồng'

Bóng đá trẻ Việt Nam đã tiếp cận đẳng cấp châu lục qua các vòng loại, nhưng đến độ lứa tuổi Olympic và tuyển quốc gia thì thui chột. Việt Nam đang rất cần những kế sách để đưa bóng đá nước nhà phát triển bền vững.

Bóng đá trẻ Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phong trào tập luyện và thi đấu ngày càng phát triển rộng khắp ở các vùng, miền đất nước. Nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hệ thống sân bãi tập luyện được tăng cường. Nhiều câu lạc bộ, trung tâm bóng đá được thành lập và bước đầu thu hút được nguồn lực xã hội đầu tư cho bóng đá.

Đặc biệt, thời gian qua bóng đá Việt Nam gặt hái được nhiều kết quả tích cực về công tác phát triển bóng đá phong trào, đào tạo trẻ, các ĐTQG gặt hái được nhiều thành tích, trong đó năm 2017 đã có 6 đội tuyển giành vé dự VCK châu Á... Tín hiệu thành tích ở lứa cầu thủ các nhóm U15, U16, U19, U20 đã cho thấy hướng phát triển từ gốc là chính xác. Những thành tích trên phần nào đã cho thấy rằng bóng đá Việt Nam không còn xây nhà từ nóc như ngày nào, nhưng giờ là lúc để bắt đầu hoàn chỉnh phần quan trọng nhất của ngôi nhà, đó là bóng đá chuyên nghiệp.

Giải quốc nội chính là “chân đế” để các cầu thủ có thể trui rèn bản lĩnh, đúc rút kinh nghiệm và đặc biệt là được cọ xát thường xuyên. Tuy nhiên, cách thức tổ chức, điều hành giải đấu bóng đá chuyên nghiệp còn quá nhiều vấn đề, khiến khán giả quay lưng và ngay cả nhiều doanh nghiệp cũng bỏ bóng đá giữa chừng vì thất vọng... Có thể nói, bóng đá nước nhà đang phải nhận nhiều chỉ trích từ phía dư luận.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 15.000 sân bóng đá, trên 4.000 CLB bóng đá phong trào. Đối với bóng đá chuyên nghiệp, trên cả nước có 55 CLB bóng đá đỉnh cao, trong đó có 14 CLB chuyên nghiệp, 10 CLB hạng Nhất, 14 CLB hạng Nhì, 7 CLB bóng đá nữ và 10 CLB futsal tham dự VCK toàn quốc.

Một số mục tiêu của bóng đá Việt Nam được đề ra ở giai đoạn 1 của chiến lược từ năm 2012-2020 là đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam phấn đấu đoạt ngôi vô địch AFF Cup hoặc SEA Games (từ 1-2 lần), bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á, bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực Châu Á.

Đến nay, khi giai đoạn 1 chỉ còn 3 năm nữa sẽ kết thúc, nhìn lại những thành quả mà bóng đá Việt Nam đạt được đều không chạm tới những mục tiêu đã đề ra.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế và có không ít trở ngại, thách thức. Bộ máy quản lý còn yếu và lúng túng trong đổi mới, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động; cung cách điều hành chưa chuyên nghiệp. Nền bóng đá nước ta chưa có được một hệ thống đào tạo trẻ bài bản, mở rộng ở cấp CLB, trong khi các giải đấu quốc gia còn nhiều bất ổn, tiêu cực, chất lượng chưa cao; công tác trọng tài còn nhiều yếu kém về chuyên môn và bản lĩnh. 

Đội tuyển U23 và tuyển Quốc gia trong thời gian dài thi đấu kém hiệu quả.

Thành tích bóng đá đỉnh cao và đội tuyển quốc gia không ổn định. Suốt gần 10 năm qua không có đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia lọt vào trận chung kết giải vô địch khu vực. Hệ thống cơ sở hạ tầng, sân bãi tập luyện, thi đấu còn thiếu, chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hiện đại... Đến nay, nhiều mục tiêu trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam khó có thể đạt được bởi một số đề án quan trọng chưa được triển khai, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng bóng đá vươn tầm châu lục...

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể gọi là chuyên nghiệp, bóng đá phát triển quá chậm, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có nhiều người không rành nghề ngồi vào đó, vai trò của Hội đồng HLV, Giám đốc kỹ thuật còn mờ..., trong khi các CLB lại phụ thuộc vào nguồn tài trợ của các “ông bầu” và đang gặp không ít khó khăn về tài chính, cơ sở sân bãi, các tuyến đào tạo trẻ. Hệ thống giải đấu quốc gia Việt Nam đang phát triển theo kiểu “hình tháp lộn ngược” trái ngược với thế giới khi có 14 CLB dự giải vô địch quốc gia V-League, song chỉ có chưa đến 10 đội bóng ở giải hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba.


Tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, xây dựng và phát triển bóng đá Việt Nam cần có lộ trình và phải theo quy luật phát triển mang tính bền vững, từ bóng đá phong trào, bóng đá trẻ rồi đến giải đấu chuyên nghiệp và cấp độ đội tuyển; chú trọng đào tạo cầu thủ về kỹ chiến thuật và cả đạo đức, văn hóa...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức một cuộc đối thoại thẳng thắn, ghi nhận đầy đủ, trao đổi cởi mở về những vấn đề của bóng đá Việt Nam, từ đó xác định hướng đi thực hiện các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam.

Người hâm mộ bóng đá hy vọng Ban Chấp hành mới được bầu sau kỳ Ðại hội toàn quốc của VFF diễn ra trong năm 2018 này sẽ tạo ra nền tảng và sức mạnh bền vững của bóng đá nước nhà.

Những người có tâm huyết với bóng đá Việt Nam đã đề xuất nhiều ý kiến để khắc phục, sửa đổi vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam trên tinh thần xây dựng như cần phải tận dụng chất xám của các chuyên gia bóng đá, nâng tầm vai trò của Giám đốc kỹ thuật và Hội đồng HLV, thành lập Hiệp hội cầu thủ để bảo vệ các cầu thủ, giải quyết rốt ráo vấn đề một ông chủ nhiều đội bóng…


Minh Đăng/Báo Tin tức
Bóng đá Việt Nam chính thức soán ngôi số 1 Đông Nam Á
Bóng đá Việt Nam chính thức soán ngôi số 1 Đông Nam Á

Trên bảng xếp hạng FIFA tháng 12, cũng là bản xếp hạng chính thức cuối cùng của năm 2017, đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam chính thức lên ngôi số 1 Đông Nam Á, ở vị trí 112 thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN