Nếu không kể Hungary và Thụy Sĩ, những đội bóng khiêm tốn luôn ra sân với tinh thần chẳng có gì để mất và tạo nên những ngạc nhiên thú vị, thì Italy là đội bóng gây nhiều bất ngờ nhất ở EURO 2020.
Vẫn biết đoàn quân Mancini bước vào giải với gần 30 trận bất bại và chuỗi chiến thắng liên tiếp sạch lưới kéo dài từ cuối năm 2020, nhưng cách họ khởi đầu giải đấu với lối đá tấn công ào ạt như sóng khiến nhiều người bất ngờ. Đó là Italy lạ lẫm nhất trong mắt ngay cả những người yêu mến và luôn theo dõi họ. Trước Bỉ, Italy cũng chẳng ngần ngại lao lên như thể đó không phải là đội bóng số một thế giới đương thời.
Nhưng cũng chính Italy ấy, vào lúc cả thế giới chờ đợi họ sẽ sử dụng bộ ba tiền vệ siêu việt và lối ban bật tốc độ cao sở trường ở các trận trước để trấn áp cách chơi kiểm soát thế trận của Tây Ban Nha ra sao, thì họ lại khiến tất cả hụt hẫng. Mancini đã không chọn giải pháp chơi đôi công với đối thủ. Italy chấp nhận co về, nhường sân khấu cho các bậc thầy kỹ thuật bên phía Tây Ban Nha.
Lối chơi “tuca-tuca” trong tiêu đề bài báo của tác giả De Caro là gì? Đó không phải là khái niệm mới cho cách chơi của Italy, mà chỉ là nói lái lối chơi tiqui-taca lừng danh. Đội bóng của Tây Ban Nha chơi thứ bóng đá của người Tây Ban Nha, còn đội bóng Italy chơi kiểu bóng đá của người Italy.
Ở trận bán kết EURO 2000 ở Amsterdam hơn 2 thập kỷ trước, có thể thấy sự khác biệt. Trận đó, Italy phòng ngự vô cùng tiêu cực, nhất là sau chiếc thẻ đỏ của Zambrotta ở phút 34. Italy đổ bê tông đúng nghĩa. Họ chịu trận tuyệt đối trước Hà Lan và chiến thắng là tổng hòa của nỗ lực cùng rất nhiều may mắn. Ở Wembley rạng sáng qua, Italy cũng chấp nhận thế cửa dưới, nhưng họ chủ động hoàn toàn trong cách chơi của mình. Đội quân Thiên thanh kiên nhẫn đối phó từng pha tấn công từ khắp các hướng của đối thủ, không ngừng chạy và chạy, rồi sau đó tung một cú phản đòn chỉ cần đúng 3 chạm từ thủ môn lên tới cầu thủ dứt điểm để mở tỷ số. Điều này cho thấy hình ảnh mẫu mực của lối chơi mà họ vốn là bậc thầy những năm tháng trước đây.
Nói về cú sút luân lưu “nhảy chân sáo” của Jorginho trong giờ phút quyết định, người Anh có thấy rùng mình không? Có lẽ là có, nếu họ nhớ lại 9 năm trước, Andrea Pirlo đã sút quả penalty kiểu “xúc thìa” từng khiến ngay cả những khán giả trung lập phải cảm thấy lạnh gáy, trong loạt luân lưu ở trận tứ kết EURO 2012 loại đội tuyển Anh. Ngay sau cú sút đó, theo nhiều chuyên gia nhận định, số phận của tuyển Anh đã được định đoạt. Tác động về mặt tinh thần của nó khiến tương quan hai đội bỗng nhiên chênh lệch. Jorginho trong trận bán kết đã đá quả cuối cùng, nhưng cách nhảy chân sáo và cú sút nhẹ như trêu ngươi của anh không khác gì tuyệt phẩm của người đàn anh. Cũng như Pirlo, Jorginho cho thấy không áp lực nào có thể làm lung lay sự tự tin, cảm hứng và niềm vui thích của anh. Đó cũng chính là hình ảnh tiêu biểu cho những gì Italy đã trình diễn cho đến lúc này ở giải đấu vốn đã phải diễn ra trong rất nhiều sức ép.
“Tuca-tuca” của Italy là khi Immobile thoải mái vung chân từ rất xa để bắn hạ Thụy Sĩ và suýt nữa sớm knock-out tuyển Áo; là khi Insigne nhảy múa trước những cầu thủ Bỉ cao hơn anh cả gang tay để tung cú sút cầu vồng; là khi “già làng” Chiellini nhấc bổng Jordi Alba như một đòn tâm lý trước loạt sút luân lưu với Tây Ban Nha; là khi các cầu thủ khoác vai nhau hát bài “Mùa hè Italy” nổi tiếng, hay khi cả đội đứng dậy ôm Spinazzola sau chấn thương của cầu thủ này… Đã lâu rồi mới thấy một Italy đoàn kết, tự tin, giàu cảm hứng và niềm vui chơi bóng đến thế.
Sau Tây Ban Nha, Italy sẽ gặp Anh ở chung kết. Italy sẽ phải đối mặt với một phong cách chơi bóng hoàn toàn khác với Tây Ban Nha. Lối chơi có thể sẽ thay đổi, nhưng thứ bóng đá của niềm vui và sự đoàn kết không bao giờ thay đổi.