Công Phượng vẫn nhạt nhòa với chiếc băng đội trưởng. Ảnh: V.S.I |
Ở "triều đại" của HLV Hữu Thắng, Công Phượng thường xuyên là người được lựa chọn để trao chiếc băng thủ quân. Chiến lược gia xứ Nghệ nhận xét về cậu học trò đồng hương rằng: “Công Phượng đã thể hiện được những trách nhiệm và tư chất thủ lĩnh trong tập luyện, sinh hoạt ở U22 Việt Nam. Đó là lý do tôi quyết định trao băng đội trưởng cho Công Phượng”.
Vẫn chưa có quyết định về chiếc băng đội trưởng. Thời điểm hiện tại, ở U22 Việt Nam có nhiều cá nhân hội tụ đủ những yếu tố để đảm nhận vai trò thủ lĩnh. Xuân Trường, Bùi Tiến Dũng hay Duy Mạnh đều rất xứng đáng. Tuy nhiên, thật khó để họ “đánh bại” đồng đội của mình.
So với các đồng đội ở đội tuyển U22 Việt Nam, Công Phượng có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn cả. Tiền đạo này từng thi đấu ở vòng loại U23 châu Á 2015 hay SEA Games 28 ở Singapore dưới quyền HLV Toshiya Miura. Ở cấp độ câu lạc bộ, Công Phượng còn là thủ quân của HAGL.
Xét về kinh nghiệm làm đội trưởng, Công Phượng “ăn đứt” đồng đội. Tuy nhiên, tiếng nói của tiền đạo này trên sân rất hạn chế. Ở cấp độ U22 hay CLB, ít thấy tiền đạo này có mặt ở thời điểm nóng để vực tinh thần của đội. Công Phượng cũng rất ít khi thông tin trên sân.
Hơn thế, phong độ của chân sút này không có sự ổn định. Công Phượng chỉ mang tính thời điểm nhất thời. Ở trận giao hữu với Viettel mới đây, tiền đạo xứ Nghệ vẫn “lạc trôi”. Dù vậy, đó cũng chỉ là trận giao hữu và chưa thể kết luận bất cứ điều gì.
Thế nhưng, cũng từ trận giao hữu đó có thể khẳng định, chiếc băng đội trưởng khó thoát khỏi tay tiền đạo này khi HLV Hữu Thắng vẫn tin tưởng giao phó vai trò đó cho Công Phượng.
Tấm băng thủ quân là sự ghi nhận, đồng thời cũng là áp lực, trách nhiệm với mỗi cá nhân. Thế nên, để xứng đáng với tấm băng đội trưởng đó, bản thân Công Phượng cần chứng tỏ nhiều hơn ở khía cạnh chuyên môn, khả năng liên kết đồng đội ở trên sân bởi đó là những gì mà người hâm mộ cảm nhận rõ nhất.