Nhiều người đã ví rằng đây là trận chung kết sớm của những "ông lớn" bóng đá châu Á, khi cả 2 đội đều vượt qua vòng bảng với vị trí dẫn đầu cùng thành tích bất bại và có những màn trình diễn thuyết phục ở các trận knock-out sau đó.
Dưới thời huấn luyện viên (HLV) Hajime Moriyasu, "Samurai Xanh" chấp nhận rũ bỏ phong cách tấn công đẹp mắt quen thuộc và trình diễn thứ bóng đá thực dụng đến tàn nhẫn. Trước ứng cử viên vô địch Saudi Arabia hay đội tuyển Việt Nam, chiến thắng của đội bóng từ "Xứ sở Mặt Trời mọc" đều xuất phát từ pha lập công ở tình huống cố định và chỉ thắng với tỉ số tối thiểu.
Trong khi đó, Iran dưới thời ông Carlos Queiroz lại gây ấn tượng bằng lối chơi tấn công đẹp mắt và những trận cầu đầy ắp bàn thắng. Thậm chí nhiều người tin rằng đại diện Tây Á chưa bộc lộ hết thực lực bởi 5 đối thủ của họ từ đầu giải đấu tới nay là chưa đủ mạnh.
Đẳng cấp của Nhật Bản, Iran không chỉ thể hiện ở Asian Cup 2019 hay bảng xếp hạng của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) - Iran hạng 29 thế giới và đứng thứ 1 châu Á, trong khi Nhật Bản hạng 50 thế giới và đứng thứ 3 châu Á, mà còn ở đấu trường cấp thế giới. Tại World Cup 2018, "Samurai Xanh" trở thành đại diện châu Á duy nhất góp mặt ở 16 đội mạnh (thua sát nút đội tuyển Bỉ 2-3), còn Iran cũng khiến Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phải chật vật.
Cả hai đội đều mang đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hàng loạt cầu thủ đẳng cấp, đang chơi bóng ở châu Âu với mục tiêu thêm một lần bước lên bục nhận cúp. Thành tích tốt nhất của Nhật Bản tại các kỳ Asian Cup trước đó là 4 lần vô địch vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011. Trong khi đó, Iran cũng đã 3 lần nâng cúp vào các năm 1968, 1972 và 1976.
Tính đến thời điểm hiện tại, thành tích đối đầu của hai đội bóng này không có quá nhiều sự chênh lệch. Cụ thể trong 20 lần chạm trán: Nhật Bản thắng 5, Iran thắng 6, hòa 9. Tất cả những thông số trên cho thấy, trận đại chiến sắp tới trên sân vận động Hazza Bin Zayed là rất đáng chờ đợi.