Bà Loretta Lynch cũng tiết lộ rằng cựu Phó Chủ tịch FIFA, Jeffrey Webb (người bị bắt vào tháng 5) là một trong những người đã nhận tội và hợp tác với cơ quan điều tra.
Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố thêm 16 người (gồm cả những người cũ) liên quan tới “hơn 200 triệu USD tiền hối lộ và lại quả”. Sự việc trên đã tiếp tục gây nên một cơn địa chấn cho tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới FIFA nói chung, cũng như liên đoàn bóng đá khu vực châu Mỹ nói riêng.
Đã có tổng cộng 30 quan chức cấp cao của FIFA bị bắt giữ và bị buộc tội tham nhũng bởi Bộ Tư pháp Mỹ. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Chủ tịch UEFA Michel Platini còn bị Văn phòng Công tố Thụy Sỹ điều tra tội nhận hối lộ, chịu phạt cấm tham gia các hoạt động có liên quan đến bóng đá trong 90 ngày. |
16 quan chức và cựu quan chức FIFA bị truy tố, gồm: Alfredo Hawit (Chủ tịch CONCACAF), Ariel Alvarado (cựu quan chức bóng đá Panama), Rafael Callejas (cựu chủ tịch LĐBĐ Honduras), Brayan Jimenez (cựu chủ tịch LĐBĐ Guatemala), Rafael Salguero (thành viên Ban chấp hành FIFA người Guatemala), Hector Trujillo (tổng thư ký LĐBĐ Guatemala), Reynaldo Vasquez (cựu chủ tịch LĐBĐ El Salvador), Juan Angel Napout (chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ), Manuel Burga (cựu chủ tịch LĐBĐ Peru), Carlos Chavez (chủ tịch LĐBĐ Bolivia), Luis Chiriboga (chủ tịch LĐBĐ Ecuador), Marco Polo del Nero (chủ tịch LĐBĐ Brazil), Eduardo Deluca (tổng thư ký LĐBĐ Nam Mỹ), Jose Luis Meiszner (cựu tổng thư ký LĐBĐ Nam Mỹ), Romer Osuna (kiểm toán và trưởng ban bóng đá Bolivia), Ricardo Teixeira (cựu chủ tịch LĐBĐ Brazil).
Cuộc điều tra còn nhắm vào các vụ đưa nhận hối lộ giữa LĐBĐ Brazil và một công ty đồ thể thao Mỹ, quy trình lựa chọn quốc gia đăng cai World Cup 2010 và cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA năm 2011.
Về phía FIFA, họ cũng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan điều tra Mỹ trong khuôn khổ pháp luật Thụy Sĩ, cũng như với cơ quan điều tra nước sở tại. Họ không có bất cứ bình luận gì thêm về vụ việc này. Hiện tại, FIFA đang tiến hành hội nghị tái cơ cấu tổ chức để thu hút những nhà tài trợ mới tại thành phố Zurich.