Quảng Trị là một trong những tỉnh ở vùng Bắc Trung Bộ có đường bờ biển dài 75 km. Việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế, hạ tầng, công nghiệp, giao thông, du lịch dịch vụ ở dọc hành lang ven biển đã và đang tạo động lực cho phát triển kinh tế và kết nối vùng.
Hạt nhân trung tâm phát triển công nghiệp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Ưu tiên tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân trung tâm phát triển công nghiệp”. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được thành lập năm 2016 với tổng diện tích trên 23.790 ha bao gồm 17 xã, thị trấn thuộc các huyện ven biển Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh. Đến tháng 11/2022 khu kinh tế này đã có 17 dự án đã đi vào hoạt động và 30 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 150.890 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư làm năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, điện khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là ưu tiên của tỉnh, để góp phần quan trọng đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030, với tổng công suất khoảng 10.000 MW. Chỉ riêng điện khí đã có 3 dự án đang xúc tiến đầu tư có vốn hàng tỷ USD với tổng công suất 6.340 MW.
Điển hình là Dự án Trung tâm điện khí thiên nhiên hóa lỏng Hải Lăng, do Tập đoàn T&T và các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư với số vốn trên 53.000 tỷ đồng, công suất 1.500MW, dự kiến đi vào vận hành từ năm 2026 - 2027.
UBND tỉnh Quảng Trị, Công ty cổ phần BB Group và Tập đoàn Quantum của Hoa Kỳ cũng đã thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án Trung tâm công nghiệp khí và Cảng tổng hợp tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Trong số đó, Dự án Trung tâm công nghiệp khí có quy mô khoảng 140 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD; thực hiện từ năm 2022 - 2030; trong đó, giai đoạn 1 triển khai từ năm 2022 - 2027 với số vốn 3,5 tỷ USD, giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030 với số vốn khoảng 1,5 tỷ USD.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, mỏ khí Kèn Bầu ở gần bờ biển Quảng Trị có trữ lượng lớn, khi khai thác sẽ cung cấp cho các nhà máy điện khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Qua đó, góp phần rất quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.
Đối với điện mặt trời, tỉnh có 3 dự án xây dựng ở xã Gio Thành, huyện Gio Linh với tổng công suất 127 MW đã đi vào hoạt động. Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió ở vùng ven biển và ngoài khơi đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Ngoài năng lượng, khu kinh tế ven biển này đã và đang thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất khí hydro… với số vốn đầu tư hàng tỷ USD.
Để thu hút những dự án lớn đầu tư vào khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh đã đầu tư 630 tỷ đồng xây dựng tuyến đường ven biển chạy dọc khu kinh tế này có chiều dài 23,5km. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất, hỗ trợ thủ tục hành chính, rà phá bóm mìn... Tỉnh cũng đang điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị theo hướng chia thành 4 khu chức năng gồm: Khu sân bay Quảng Trị, khu du lịch sinh thái, khu công nghiệp - năng lượng, khu nông nghiệp và hỗn hợp cho phù hợp với sự phát triển hiện tại và tương lai.
Việc Quảng Trị phát triển các ngành công nghiệp ở vùng ven biển và khai thác khí ở mở Kèn Bầu là phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 26-NQ/TW là: “Hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen. Triển khai công tác thẩm lượng, thẩm định, phê duyệt trữ lượng đối với mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu”.
Kết nối vùng từ hành lang ven biển
Hành lang ven biển đóng vai trò then chốt trong kết nối Quảng Trị với các vùng trong nước và quốc tế bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng đã định hướng: “Phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây”.
Tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị vào đầu năm 2023, dự kiến đưa vào khai thác năm 2025. Cảng hàng không Quảng Trị là sân bay nội địa cấp 4C có tổng diện tích hơn 316 ha; tập trung chủ yếu ở xã Gio Quang và một phần ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Sân bay này có công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; tổng vốn đầu tư khoảng 5.800 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư.
Sân bay Quảng Trị được tỉnh xác định là dự án trọng điểm cần tập trung nguồn lực để đầu tư. Khi hoàn thành dự án được kỳ vọng tạo động lực cho tỉnh thu hút khách du lịch và đầu tư, nhờ có sự kết nối nhanh chóng bằng đường hàng không với các tỉnh, thành trong cả nước.
Đối với đường bộ, trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây với số vốn đầu tư 2.060 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 55 km đi qua các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà.
Dự án này không chỉ giúp Quảng Trị tăng kết nối vùng, mà còn giúp các tỉnh Trung Trung Bộ của Việt Nam kết nối với các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (Quốc lộ 9) gồm: Lào, Thái Lan và Myanma thông qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Trong khi đó việc đầu tư hệ thống cảng biển ở vùng ven biển cũng giúp tỉnh tăng kết nối vùng và quốc tế. Cảng biển Quảng Trị là cảng tổng hợp địa phương loại II với 3 bến cảng gồm: Bắc Cửa Việt, Nam Cửa Việt và Mỹ Thủy. Các cảng biển này là cửa ngõ ra biển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây và được kỳ vọng đưa Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030.
Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đang được đầu tư xây dựng tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng vốn 14.200 tỷ đồng, quy mô 10 bến với diện tích 685 ha, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn. Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy không chỉ giúp kết nối Quảng Trị với tuyến hàng hải quốc tế mà còn giúp kết nối với nước bạn Lào, khi Quốc lộ 15D từ cảng biển này đến Cửa khẩu quốc tế La Lay được đầu tư xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.
Khu bến Bắc Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh hiện có 3 cầu cảng có thể tiếp nhận tàu hàng tải trọng 3.000 tấn, năng lực thông qua cảng từ 0,8 - 1,1 triệu tấn/năm, ngoài kết nối vùng thông qua đường biển còn kết nối trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây đến các nước: Lào, Thái Lan và Myanma thông qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Dự án Bến cảng CFG Nam Cửa Việt tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong có quy mô trên 18 ha, vốn đầu tư khoảng 640 tỷ đồng đang được xây dựng cũng có sự kết nối vùng tương tự. Ngoài chức năng kết nối, các cảng biển ở Quảng Trị còn gắn với không gian phát triển công nghiệp dọc hành lang ven biển.