Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein phát biểu ngày 4/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Bộ trưởng Quốc phòng Hussein đưa ra phát biểu trên với báo giới bên lề Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 15 đang diễn ra ở Singapore.
Bộ trưởng Hishammuddin cho rằng trước hết các nước thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần giải quyết các tranh chấp, bất đồng trong khối. Ông cũng nhấn mạnh điều đặc biệt quan trọng đối với các nước nhỏ như các quốc gia thành viên ASEAN là phải đảm bảo được sự đoàn kết, để không bị các cường quốc gạt ra ngoài cuộc chơi.
Về vấn đề chống khủng bố, Bộ trưởng Hishammuddin cho rằng cần có một chiến lược khác và một cách tiếp cận khác phù hợp hơn thay vì cách đấu tranh thông thường để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - vốn được xem là thách thức lớn nhất hiện nay trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo Bộ trưởng Hishammuddin, IS không giống những nhóm khủng bố khét tiếng xưa nay như Al-Qaeda, dù phần nào có chung nguồn gốc lịch sử. Các tổ chức khủng bố như Al Qaeda chỉ có vài trăm cơ sở hoạt động, không thể trực tiếp đối đầu với lực lượng quân sự, thường hướng đến các mục tiêu dân sự, và quan trọng nhất là các tổ chức này không tuyên bố kiểm soát lãnh thổ.
Trong khi đó, IS khẳng định quyền kiểm soát đối với những khu vực rộng lớn có nhiều dầu mỏ, cho phép tổ chức này xây dựng mô hình để duy trì nguồn tài chính. Hiện tại, IS có hơn 31.000 tay súng có khả năng tiến hành các chiến dịch tinh vi đồng thời kiểm soát được các tuyến thông tin quan trọng và cơ sở hạ tầng vượt trội. Chính vì vậy, các chiến lược chống khủng bố và các lực lượng nổi dậy thông thường không hiệu quả trong cuộc chiến chống IS.
Ông Hishammuddin nhấn mạnh rằng IS rõ ràng đã và đang là mối nguy hiểm đối với châu Á - Thái Bình Dương, có khả năng làm trầm trọng thêm sự bất ổn tại các điểm nóng của khu vực.
Để đánh bại IS, ông Hishammuddin cho rằng không thể chỉ đơn giản là ném bom vào một số quốc gia hoặc tiến hành các cuộc phản công thiếu sự tính toán kỹ, mà cần một kế hoạch toàn diện với sự phối hợp nhiều hơn nữa của tất cả các bên và không chỉ giới hạn ở khía cạnh quân sự.