Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 100 km, đồng thời là một trong những ngư trường lớn của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đã và đang đẩy mạnh khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về kinh tế biển cả về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng bền vững. Dù thời tiết không thuận lợi, giá nhiên liệu tăng giảm liên tục, giá cả có nhiều biến động, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên biển, nhưng ngư dân ở Ninh Thuận vẫn tích cực bám biển khai thác hải sản. Nhờ đó đến nay ngư dân toàn tỉnh đã khai thác được hơn 66.700 tấn hải sản các loại, đạt 92,68% kế hoạch năm và tăng 99,75% so với cùng kỳ năm trước.
Để ngư dân khai thác, đánh bắt có hiệu quả thủy hải sản trên biển, tỉnh Ninh Thuận đã thành lập tổ đội khai thác xa bờ. |
Ông Lê Hồng Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, do có lợi thế về khai thác đánh bắt nên số tàu cá ở Ninh Thuận luôn có sự biến động về số lượng và về cơ cấu. Tính đến giữa tháng 9 này, Ninh Thuận có đến 2.736 chiếc tàu (tăng khoảng 200 chiếc so với năm 2014), với tổng công suất hơn 274.800CV.
Để ngư dân khai thác, đánh bắt có hiệu quả thủy hải sản trên biển, Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ đội khai thác xa bờ. Đến nay số tổ đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập mới 22 tổ, nâng tổng số tổ đoàn kết sản xuất trên biển lên 98 tổ, với gần 500 tàu cá tham gia, đồng thời thành lập dịch vụ hậu cần nghề cá với 11 tàu cùng tham gia hỗ trợ. Chính nhờ tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, tổ dịch vụ hậu cần này, hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển được diễn ra lâu hơn, tiết kiệm được các chi phí, thời gian và hiệu quả mang lại cao hơn.
Theo đà phát triển và được sự khuyến khích từ các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, nhiều hộ ngư dân ở tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư tàu to, máy lớn vươn ra xa khơi đánh bắt dài ngày để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay tỉnh Ninh Thuận đã có 62 tàu cá đủ điều kiện hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, được UBND tỉnh phê duyệt. Nhờ mạnh dạn, dám nghĩ dám làm trên cơ sở kinh nghiệm và sự tính toán hợp lý, nhiều hộ dân ở Ninh Thuận luôn có số dư từ thu nhập nghề cá từ vài trăm triệu đồng trên năm.
Ngư dân Nguyễn Hải ở thôn Lạc Nghiệp 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam cho biết: “Sản lượng khai thác đánh bắt hải sản năm nay đạt hiệu quả cao, đem lại cho bà con nguồn sống tốt, mỗi chuyến đạt 5 - 10 tấn hải sản các loại, giá cá thị trường bữa nay ổn định, giá hơn 200.000 đồng/giỏ cũng kiếm ăn được, cuộc sống của gia đình ngư dân có được trang trải rất tốt”.
Xác định kinh tế biển là kinh tế mũi nhọn của tỉnh, từ nay đến năm 2020, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đầu tư hạ tầng nghề cá theo hướng xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực. Thực hiện có hiệu quả đề án tổ chức lại nghề khai thác hải sản, hỗ trợ ngư dân nâng công suất tàu thuyền, sắm sửa trang thiết bị hiện đại vươn khơi đánh bắt, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo ông Phan Quang Thựu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nhờ có các chính sách hỗ trợ đầu tư, những năm qua ngành thủy sản Ninh Thuận có bước phát triển rất nhanh, tạo điều kiện tăng thu nhập cho ngư dân và tăng hiệu quả kinh tế. Xác định ngành thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, để xứng đáng với điều đó, tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục thực hiện đề án tổ chức lại nghề cá, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với việc khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái.
Đặc biệt đối với vùng ven biển và vùng lồng, áp dụng những ngành nghề khai thác hợp lý, xóa bỏ ngành nghề mang tính hủy diệt. Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương ven biển, các ngành triển khai kịp thời Nghị định 67, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ để ngư dân sớm được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước, mang lại hiệu quả thiết thực trong khai thác đánh bắt, góp phần sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.