Do phải cạnh tranh gay gắt về giá với các đối thủ trong khu vực, xuất khẩu thủy sản đang gặp khó. Để hạ được giá nguyên liệu đầu vào nhưng nhà nông vẫn có lãi đòi hỏi nhà nông và DN phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau.Lỏng lẻo liên kếtNhững ngày này người nuôi tôm đang đứng ngồi không yên vì giá tôm nguyên liệu liên tiếp giảm, nhưng chi phí đầu vào vẫn tăng đều đặn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của hàng triệu nông hộ cả nước. Giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh, từ 30.000 - 40.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng tư nhưng vẫn khó tìm người mua. Giá cá tra nguyên liệu cũng đang ở mức thấp, khoảng 23.000 - 24.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu tăng trở lại đã khiến cho người nuôi lo lắng.
Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sẽ giúp người nuôi thủy sản bớt khó khăn. |
“Đặc biệt khi xuất khẩu, sản phẩm tôm của ta thường bán thấp hơn giá tôm của những nhà xuất khẩu khác. Trong khi đó DN lại mua của nông dân thường cao hơn các nước bạn khoảng 15 - 30%. Tương tự, mặt hàng cá tra tình hình cũng chẳng khả quan hơn. Nghịch lý là dù giá nguyên liệu thủy sản đầu vào của ta cao hơn nhưng nông dân Việt Nam vẫn đối mặt thua lỗ triền miên, trong khi nông dân nước bạn lại luôn có lãi cao”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay.
Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân chính vẫn do tình hình nuôi trồng thủy sản trong nước manh mún, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, thiếu quy hoạch bài bản, người nuôi chủ yếu tự bơi là chính. Để đầu tư cho nuôi thủy sản, nông dân phải dựa vào nguồn vốn vay bên ngoài hoặc lựa chọn những giải pháp tiết kiệm chi phí, điều này là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sản lượng.
Theo ông Hòe, việc DN không trực tiếp thu mua thủy sản nguyên liệu của nông dân mà thông qua trung gian, thương lái càng góp phần đẩy chi phí lên cao. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay nếu DN không nhanh chóng bắt tay chia sẻ khó khăn với người nuôi thì thủy sản Việt sẽ còn đau đầu với chuyện mua đắt bán rẻ và nhà nông vẫn luôn bất an với lợi nhuận.
Mạnh dạn đổi thayNắm bắt được thực tế này, mới đây Công ty TNHH SX TM DV Thuận An đã mạnh dạn kết hợp cùng người nuôi triển khai mô hình liên kết dọc từ sản xuất cá giống, nuôi cá thịt, chế biến sản phẩm, đến thị trường tiêu thụ... Với mô hình này, DN đã chủ động cùng chia sẻ rủi ro, lợi nhuận với người nuôi thông qua việc hỗ trợ vốn, cung ứng thức ăn, bao tiêu đầu ra. Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng GĐ DN cho biết: “Từ tháng 8/2014, chúng tôi tập trung hướng dẫn bà con nuôi theo hướng an toàn đáp ứng những tiêu chí khắt khe về xuất khẩu. Người nuôi có thể hoàn toàn yên tâm về đầu ra cũng như áp lực vốn tái đầu tư vì chúng tôi đã có ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng trị giá hơn 234 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm. Có thể nói chính người nuôi là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ mô hình này vì sẽ không còn cảnh phập phồng lo sợ mỗi khi vào vụ nuôi trồng hay cuối kỳ thu hoạch như thời gian trước đây”.
Một mô hình khác là của Công ty CP Thủy sản Hùng Vương triển khai. Người nuôi được cung cấp cá giống từ trại sản xuất con giống của công ty, chất lượng con giống được kiểm tra nghiêm ngặt theo định kỳ. Thức ăn cho thủy sản hoàn toàn do DN sản xuất có giá trị dinh dưỡng phù hợp. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của DN đảm bảo cả việc quản lý môi trường nuôi và phòng bệnh... tạo quy trình khép kín vùng nuôi thủy sản, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến. Hiện nay, công ty đã phát triển nuôi trồng hơn 350ha tại các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang... giúp cung cấp cho nhà máy chế biến khoảng 200.000 tấn nguyên liệu sạch/năm.
“Chúng ta cần phải nhanh chóng chuyên nghiệp hóa trong ngành hàng sản xuất thủy sản. Kinh nghiệm của Hùng Vương là triển khai chuỗi khép kín từ sản xuất cá giống, nuôi cá thịt, chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Trong đó người nuôi và DN phải có sự liên kết chặt chẽ, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Tham gia chuỗi liên kết, nông dân được mua thức ăn thủy sản với giá giảm, được hướng dẫn nuôi cá theo các tiêu chuẩn Viet.GAP hoặc Global.GAP, cũng như ưu tiên đầu ra. Hiện DN đã chủ động liên kết với nhà nông đạt khoảng 70% nguồn nguyên liệu nhưng thực tế số đạt như yêu cầu đặt ra vẫn chưa nhiều”, ông Dương Ngọc Minh Tổng GĐ Công ty CP Hùng Vương chia sẻ.