Tỷ lệ tử vong ung thư phổi tại Việt Nam cao do phát hiện ở giai đoạn muộn

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bình, Trưởng khoa Ngoại tim mạch - lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ung thư phổi đứng thứ hai về các bệnh ung thư tại Việt Nam và có tỷ lệ tử vong cao do thường được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Bình thống kê mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 26.000 ca mắc mới ung thư phổi và hơn 23.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Hiện nay, đã có nhiều biện pháp điều trị tiên tiến giúp cho bệnh nhân kéo dài thời gian sống. Tuy nhiên, việc chẩn đoán phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong tại Việt Nam còn cao.

Chú thích ảnh
ThS.BS. Nguyễn Hữu Trâm Em, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn phát biểu tại Hội nghị Khoa học Bệnh viện Hoàn Mỹ năm 2023, được tổ chức ngày 21/10.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng cho biết, một nghiên cứu về nốt phổi đơn độc trong 7 năm tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho thấy, việc chẩn đoán sớm nốt phổi ác tính giúp nâng cao tỷ lệ sống sau 5 năm, từ 14% lên đến 80% (so với phát hiện ở giai đoạn trễ) và 50% nốt phổi đơn độc ác tính tình cờ phát hiện không triệu chứng, nhất là với người trên 50 tuổi.

“Đối với nhóm bệnh nguy cơ cao, phương pháp cũ sinh thiết không phẫu thuật có thể bỏ sót ung thư phổi giai đoạn sớm, dẫn đến mất cơ hội điều trị cho người bệnh, đồng thời không điều trị được các nốt phổi lành”, bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa nói.

Chú thích ảnh
Hội nghị có 32 đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực nội khoa và ngoại khoa.

Theo đó, kết quả nghiên cứu khẳng định, phẫu thuật nội soi lồng ngực không những giúp chẩn đoán và điều trị sớm nốt phổi ác tính mà còn giúp điều trị triệt để những nốt phổi lành tính an toàn, hiệu quả, ít biến chứng. Kỹ thuật này giúp chẩn đoán tức thì và điều trị triệt để nốt phổi trong cùng một lần phẫu thuật, giúp rút ngắn thời gian theo dõi, chẩn đoán, đem lại cơ hội điều trị triệt để các nốt phổi ác tính từ giai đoạn rất sớm.

Bác sĩ Nguyễn Đức Nghĩa thông tin thêm, nguy cơ ác tính tăng cao khi người bệnh có biểu hiện lâm sàng, trong đó ho là triệu chứng thường gặp nhất. Theo đó, khi có triệu chứng ho kéo dài, ho đàm, ho ra máu, người dân cần đến bệnh viện để tầm soát các bệnh lý về phổi.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trâm Em, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng và động lực cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, qua đó giúp đội ngũ này không ngừng học hỏi, nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn và hiệu quả điều trị. Việc ứng dụng những kỹ thuật mới đã mang lại những kết quả thành công ban đầu và tiếp tục được nghiên cứu sâu để áp dụng rộng rãi trong thời gian tới.

Ngày 21/10, Hội nghị Khoa học Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn năm 2023 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của của hơn 200 bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn và các chuyên gia đến từ các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hội nghị diễn ra 3 phiên với 32 đề tài nghiên cứu ở tất cả các lĩnh vực Tim mạch, Tiêu hóa, Thần kinh - Đột quỵ, Ngoại niệu, Nội soi, Hồi sức lọc thận, Chấn thương chỉnh hình, Chẩn đoán hình ảnh, Ung bướu, Dược, Dinh dưỡng, Điều dưỡng…
Tin, ảnh: Đan Phương/Báo tin tức
Các chuyên gia y tế kêu gọi thay đổi trong xét nghiệm ung thư phổi 
Các chuyên gia y tế kêu gọi thay đổi trong xét nghiệm ung thư phổi 

Theo công bố mới đây về đồng thuận của các chuyên gia y tế trên Tạp chí Ung thư lồng ngực - Journal of Thoracic Oncology, việc thay đổi hình thức chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) tại Việt Nam và châu Á là rất cấp thiết để đáp ứng tốt hơn đặc điểm của bệnh nhân trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN