Nhiều ca biến chứng từ các cơ sở thẩm mỹ chui, không phép
Chị N.N.L (38 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) vừa đến Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh để điều trị áp xe ngực, vừa cầu cứu cơ quan chức năng đòi lại công bằng cho mình.
Thông qua mạng xã hội và tư vấn của nhân viên Viện thẩm mỹ quốc tế Manhattan, 330-332 Cao Thắng, Quận 10, TP Hồ Chí Minh, chị L đến đây để được nâng ngực bằng kỹ thuật tiêm tế bào gốc tự thân, chi phí hơn 100 triệu đồng.
Sau lần đầu tiên kết quả không như ý, chị L quay trở lại cơ sở này và được yêu cầu thực hiện lần 2, tổng chi phí lên đến gần 200 triệu đồng. Hai tuần sau, ngực của chị L bắt đầu sưng đau, viêm và nổi cục. Đến khi đi khám tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, chị L được các bác sỹ cho biết, thực chất chị được tiêm chất làm đầy (filler) vào ngực và gây biến chứng. Lúc này, chị L mới tá hỏa và tìm hiểu thì được biết, cơ sở này không có giấy phép hoạt động, không có bác sỹ đáp ứng quy định để thực hiện kỹ thuật xâm lấn.
Ngày 18/1, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh, đơn vị vừa tiếp nhận một phụ nữ trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp nặng được chuyển đến từ một thẩm mỹ viện trên địa bàn Quận 10. Các bác sỹ đang tích cực cấp cứu, điều trị cho nạn nhân.
Hầu như năm nào, cứ đến thời điểm cuối năm, bác sỹ tại bệnh viện tuyến cuối TP Hồ Chí Minh cũng phải tiếp nhận nhiều ca biến chứng thẩm mỹ, trong đó phần lớn là từ các cơ sở thẩm mỹ chui, không phép. Bác sỹ Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh thông tin, những tháng cuối năm, hầu như ngày nào, Bệnh viện cũng tiếp nhận, xử lý và điều trị ca tai biến, thẩm mỹ da từ cơ sở khác chuyển đến. Hầu hết ca tai biến liên quan đến thủ thuật tiêm chích như, tiêm chích vi điểm, chất làm đầy và botox.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là nơi phải “sửa chữa” cho nhiều trường hợp tai biến thẩm mỹ, trong đó phần lớn là do thực hiện tại cơ sở không phép. Mới đây, một cô gái trẻ ngụ tỉnh Đồng Nai được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng mất thị lực, sụp mi mắt trái, phù giác mạc, xung huyết kết mạc, sưng bầm trong mũi, cằm và môi trên. Trước đó, cô gái này thực hiện tiêm filler môi, cằm, mũi tại một spa không được cấp phép thực hiện kỹ thuật này.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, các ca tai biến thẩm mỹ đa số được thực hiện tại cơ sở không phép, đó là tiệm làm tóc, móng, cơ sở chăm sóc da. Các biến chứng phổ biến là nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí nhiều bộ phận cơ thể tổn thương như mù mắt…
“Nhiều nạn nhân chia sẻ với chúng tôi họ thực hiện tiêm filler nâng mũi với giá chỉ 2-3 triệu đồng. Với số tiền này thì làm sao đảm bảo được chất lượng và sự an toàn?”, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh lo ngại.
Phối hợp đẩy lùi hoạt động thẩm mỹ "chui"
Thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn hiện có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm khoảng 15%), 85% cơ sở còn lại do UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Như vậy, Thành phố có đến 6.489 cơ sở do UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các cơ sở này hoạt động mà không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép. Theo quy định, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ loại hình phun, xăm, thêu trên da phải có văn bản thông báo đủ điều kiện gửi về Sở Y tế trong thời hạn 10 ngày trước khi hoạt động. Tuy nhiên, trong số 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da hiện chỉ có 64 cơ sở có thông báo.
Với số lượng cơ sở thẩm mỹ khá lớn, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thừa nhận, công tác quản lý của cơ quan này gặp nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất là tình trạng quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động trên báo, đài và quảng cáo trái phép trên mạng xã hội. Từ đó dễ gây hiểu nhầm cho người dân, trong khi các dịch vụ thẩm mỹ này hoàn toàn chưa được thẩm định đủ điều kiện về đảm bảo an toàn trong y khoa. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị cung ứng dịch vụ thẩm mỹ do UBND quận, huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lớn cũng gây khó khăn cho hoạt động thanh, kiểm tra. Điều đáng nói, hoạt động thẩm mỹ chui ngày càng tinh vi để né tránh cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Tăng Chí Thượng cho rằng, đã đến lúc phải có thêm những giải pháp quyết liệt hơn, cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý các cơ sở thẩm mỹ. Trong đó, công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân nhằm tạo ra môi trường hỗ trợ từ cộng đồng kịp thời phát hiện và báo cáo các dấu hiệu nghi ngờ có hoạt động thẩm mỹ trái phép tại các khách sạn, nhà trọ. Ngành Y tế mong các sở, ngành liên quan và địa phương cùng phối hợp, sớm đẩy lùi hoạt động thẩm mỹ "chui", các hoạt động trái quy định pháp luật, góp phần tạo dựng môi trường chăm sóc sức khỏe an toàn, tin cậy cho người dân.
Một trong những hoạt động trọng tâm của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 là tăng cường các giải pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế. Sở Y tế sẽ phối hợp Công an Thành phố chọn những vấn đề nóng trong hoạt động khám, chữa bệnh để xử lý nghiêm, có trọng điểm.
Sở Y tế khuyến cáo người dân cần lưu ý lựa chọn những cơ sở đã được cấp phép và kiểm tra thông tin trên Cổng tra cứu thông tin điện tử của Sở. Người dân tuyệt đối không tiếp tay cho những cơ sở không phép, những người hành nghề không tuân thủ quy định pháp luật bằng cách không sử dụng dịch vụ, không đồng ý khi các đối tượng dụ dỗ đưa đến khách sạn hay các căn hộ để thực hiện dịch vụ thẩm mỹ. Người dân không lựa chọn cơ sở làm đẹp mà chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”... Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, người dân không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin thông qua nhiều kênh khác nhau để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng.