Mùa viêm não Nhật Bản, cha mẹ cần chú ý gì để phòng bệnh cho trẻ

Nắng nóng cao điểm cũng là mùa dễ phát sinh bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh nguy hiểm dễ để lại di chứng nặng nề cho hệ thần kinh Trung ương; cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ?

Chú thích ảnh
Viêm não Nhật Bản dễ ảnh hưởng đến hệ thần kinh Trung ương. Ảnh: BV

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Mùa hè nắng nóng diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7 là mùa cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản, cha mẹ cần hết sức cảnh giác phòng bệnh cho trẻ vì bệnh rất dễ biến chứng nguy hiểm.

Theo đó, bệnh viêm não Nhật Bản do virus viêm não Nhật Bản gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh lưu hành nhiều ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người nhưng lây truyền qua đường muỗi đốt. Muỗi hút máu động vật nhiễm virus gây bệnh (thường là từ lợn) rồi lại đốt và truyền bệnh cho người.

Triệu chứng của bệnh trong 1- 2 ngày đầu thường là: Sốt, đau đầu tăng dần, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan. Trong các biểu hiện trên thì sốt và nôn khan thường hay bị nhầm lẫn với các bệnh khác khiến nhiều cha mẹ đưa trẻ đến bệnh viện muộn, bỏ lỡ giai đoạn vàng điều trị bệnh (2 ngày kể từ khi nhiễm virus). Triệu chứng sốt do viêm não Nhật Bản thường là khi hạ sốt bệnh nhân vẫn li bì, đau đầu và ngủ nhiều, đây là biểu hiện của rối loạn hệ thần kinh trung ương.

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Lâm, thời gian gần đây, các bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều ở trẻ chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Có trường hợp trẻ lớn tuổi đã tiêm 3 mũi nhưng chưa tiêm nhắc lại vẫn bị mắc bệnh. Về nguyên tắc, sau khi tiêm 3 mũi, sau 3-5 năm trẻ cần tiêm nhắc lại cho đến 15 tuổi.

Để phòng bệnh viêm não Nhật Bản chủ động, việc tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất; trẻ cần được tiêm đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại đầy đủ để phòng bệnh.

Bên cạnh đó, để phòng viêm não Nhật Bản cũng như phòng tránh một số bệnh thường gặp trong mùa hè; trẻ cần ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy.

Lịch tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em 1-5 tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng:

– Lần1: Khi trẻ đủ 1 tuổi.

– Lần 2: 1-2 tuần sau lần 1.

– Lần 3: 1 năm sau lần 2.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Đắk Lắk ghi nhận hai trường hợp mắc viêm não Nhật Bản
Đắk Lắk ghi nhận hai trường hợp mắc viêm não Nhật Bản

Sáng 7/5, ông Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận hai trường hợp mắc viêm não Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN