Là nơi đầu nguồn biên giới, huyện Tân Hưng đang tiến tới kỷ niệm 30 năm thành lập huyện. Nơi đây có những bác sỹ nặng tình với quê hương, luôn hết lòng với nghề và người bệnh, mang lại niềm tin yêu đối với nhân dân nơi biên giới cũng như người dân nước bạn Campuchia.
Để tri ân những người thầy thuốc nơi biên cương, phóng viên TTXVN có chùm 2 bài về công tác Y tế biên giới Tân Hưng như góp thêm niềm tin yêu đối với các chiến sỹ áo trắng.
Bài 1: Hạt nhân nơi biên giới
Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Del, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng gắn bó với ngành Y tế nơi biên giới từ khi mới ra trường (năm 1992) đến nay. Suốt 30 năm qua, bác sỹ Del và gia đình đã cống hiến hết mình cho ngành Y tế Tân Hưng. Hiện vợ và hai con gái của ông đều là bác sỹ và đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện.
Điều trị hiệu quả với mức tiền tối thiểu
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Âu Thanh Thy (sinh năm 1996) là con gái thứ hai của bác sĩ Nguyễn Văn Del, hiện công tác tại Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng. Tốt nghiệp Nội khoa, Đại học Y Dược Cần Thơ, ra trường năm 2020, bác sỹ Thy chọn về Trung tâm Y tế huyện - nơi có ba mẹ đang công tác.
Bác sỹ Thy kể lại: "Từ khi còn nhỏ, ba mẹ đã hướng cho tôi sau này lớn làm bác sỹ và dặn dò cố gắng học thật giỏi để theo ngành của ba mẹ. Từ nhỏ, tôi đã được ra vào bệnh viện, thấy được môi trường làm việc của ba mẹ và thấy rất thích công việc này. Từ đó, tôi cố gắng học để đậu vào ngành Y. Nhà có hai chị em, tôi và chị gái Nguyễn Âu Thanh Trúc (sinh năm 1995) lên cấp 3 đều học chuyên Hóa Trường Trung học Phổ thông Chuyên Long An. Cùng thi đỗ 2 trường Bách khoa và Y khoa, nhưng chúng tôi cùng chọn học Đại học Y Cần Thơ và đều về đây công tác".
Trong câu chuyện của nữ bác sỹ trẻ Nguyễn Âu Thanh Thy luôn rạng ngời niềm vui, trách nhiệm với công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. “Ở đây, do người dân không có nhiều tiền nên khi chăm sóc y tế cho nhân dân, ưu tiên lớn nhất của chúng tôi là giảm chi phí điều trị. Điều trị hiệu quả với một mức tiền tối thiểu. Do đó, thu nhập không cao. Tuy nhiên, các y, bác sỹ đều thấy rất vui và hạnh phúc. Thời gian tới, tôi sẽ học lên Tiến sỹ để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân” - bác sỹ Thy chia sẻ.
Chị gái của Thy, bác sĩ Nguyễn Âu Thanh Trúc cho biết: "Như nghề chọn người và máu nghề đã có sẵn trong mình". Hết lớp 12, chị Trúc đã thi đậu và học Ngành Y Đa khoa, Đại học Y Dược Cần Thơ.
Chia sẻ về nghề một cách giản dị, bác sỹ Trúc cho hay: “Niềm vui của tôi đơn giản là thấy bệnh nhân khỏe mạnh và xuất viện. Do gia đình có truyền thống theo nghề Y nên mọi người đều có tiếng nói chung, dễ dàng chia sẻ trong công việc” - bác sỹ Nguyễn Âu Thanh Trúc tâm sự.
Nguồn nhân lực - yếu tố quyết định
Chỉ 4 năm sau khi ra trường, bác sĩ Nguyễn Văn Del đã được bổ nhiệm lên quản lý khi mới 28 tuổi. Gần 30 năm nay, bác sỹ Del không ngừng nỗ lực cống hiến; đồng thời, đặt mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực cho ngành Y lên hàng đầu. Ông luôn tâm niệm và định hướng cho con mình rằng niềm vui, hạnh phúc của người bác sỹ chính là sự nể trọng của nhân dân.
Tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh chuyên khoa Ngoại sản vào năm 1992, bác sỹ Nguyễn Văn Del về cống hiến cho ngành Y huyện Vĩnh Hưng. Năm 1994 tách huyện, bác sỹ được điều động về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng. Năm 1996, ông được giao nhiệm vụ là Phó Giám đốc Trung tâm, được Giám đốc tin tưởng giao phụ trách kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2006, Giám đốc về hưu, bác sỹ Nguyễn Văn Del được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng. Năm 2009, bác sỹ được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do “Đã có nhiều thành tích trong công tác từ năm 2004 đến năm 2008, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đến nay, điều hài lòng lớn nhất của bác sỹ và vợ (là bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh) là cả hai con gái đều theo nghề của cha mẹ.
Gần 30 năm làm công tác quản lý, bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Del luôn xác định, để nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, yếu tố đầu tiên chính là con người. Do đó, từ khi thành lập huyện đến nay, Trung tâm luôn tập trung đào tạo về nhân lực bên cạnh việc kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Khi mới thành lập huyện, Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng có 4 bác sỹ. Sau 30 năm vừa gửi đào tạo vừa thu hút thêm nguồn nhân lực, hiện tại, đơn vị có 68 bác sỹ. Dù là địa phương vùng xa, nhưng Tân Hưng có lợi thế thu hút đông đảo lực lượng bác sỹ chính quy, thậm chí tình nguyện ở lại. Theo bác sỹ Del, điều quan trọng là khi công tác ở đây, bác sỹ có điều kiện trau dồi kinh nghiệm, học hỏi kinh nghiệm do lượng bệnh nhân tương đối đông. Trung tâm có tương đối đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và mô hình bệnh tật cho một bệnh viện tuyến huyện.
Điều khiến bệnh nhân tin tưởng đến khám ở đây đó chính là thái độ nhiệt tình của các y, bác sỹ. Bệnh nhân Nguyễn Thị Nào (xã Hưng Điền) cho biết, chị bị viêm đường ruột. Khi vào Trung tâm Y tế huyện, chị được các bác sỹ theo dõi, chăm sóc tận tình. Ở đây, quy trình khám bệnh nhanh, các bác sỹ tận tình với bệnh nhân.
Hiện, Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng có đội ngũ bác sỹ đầu ngành được đào tạo chính quy, trang thiết bị đáp ứng công tác khám, chữa bệnh của một bệnh viện tuyến huyện. Đó là những nhân tố đầu tàu, không chỉ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh hiện tại, mà là động lực của đội ngũ kế thừa như: Bác sỹ Mai Thị Vẹn (sinh năm 1978, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, tốt nghiệp hệ chính quy Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, chịu trách nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu); bác sỹ Nguyễn Thị Tuyết Minh (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh)…
Bài cuối: Hết lòng vì người bệnh