Bệnh viện vùng biên giới Long An giúp người dân khám chữa bệnh thuận tiện

Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười có quy mô 500 giường, đáp ứng tiêu chuẩn Bệnh viện hạng 2. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động cơ sở mới trên khuôn viên rộng 5 ha, bệnh viện đã góp phần nâng cao chất lượng y tế tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là khu vực biên giới Long An.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Hoàng Chơn ở xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng được chuyển về chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đồng Tháp Mười, cách nhà 25 km, thay vì phải đi xa hơn 110 km như 2 năm trước đây.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, đặc biệt khắc phục được điểm nghẽn trong cấp cứu các bệnh nguy hiểm cần có "thời gian vàng" để tiếp cận y tế. Bệnh viện được trang bị hệ thống máy cắt lớp vi tính, máy X-quang cao tần kỹ thuật số, máy đo loãng xương cùng với 10 máy chạy thận nhân tạo... đã phát huy tối đa hiệu quả và công năng.

Ông Phạm Hoàng Chơn, sinh năm 1968, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng bị suy thận giai đoạn cuối. Trước khi Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười được trang bị máy chạy thận nhân tạo, 1 tuần 3 lần ông được người thân chở từ nhà lên 1 bệnh viện tư ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, cách nhà 110 km. Dù có bảo hiểm nhưng ông vẫn chịu chi phí khoảng 80% cho khám chữa bệnh.

Sau khi bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười đi vào hoạt động, ông là 1 trong 50 bệnh nhân suy thận trong vùng được chuyển về chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười. Từ nhà ông tới viện chỉ 25 km, chi phí được bảo hiểm chi trả gần như toàn bộ, ông chỉ đóng khoảng gần 1 triệu đồng/tháng/12 lần chạy thận. Theo ông Phạm Hoàng Chơn, được chạy thận ở gần nhà tiện cho gia đình đưa đón, chăm sóc và chi phí cũng giảm đi rất nhiều. "Tôi bị bệnh không làm ra tiền nên tất cả chi phí khám chữa bệnh là nhờ 3 người con lo", ông Chơn chia sẻ.

Anh Nguyễn Minh Thành, sinh năm 1993, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng cũng bị suy thận giai đoạn cuối. Cũng như ông Chơn, anh đã được chuyển về Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười chạy thận. Phát hiện bệnh từ hơn 3 năm nay, trước khi được chuyển về đây điều trị, một tháng 12 lần anh Thành phải chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Long An, cách nhà 120 km.

Với 10 máy chạy thận hiện tại, có 50 bệnh nhân suy thận đang được chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, để đáp ứng yêu cầu bệnh nhân, số máy này đang phải chạy hết công suất và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện nỗ lực hết mình mỗi ngày vì người bệnh.

Chị Nguyễn Thị Vùng, điều dưỡng Trưởng Khoa Nội - Thận nhân tạo phụ trách 20 điều dưỡng và công việc rất nhiều khi vừa phụ trách Nội vừa Thận nhân tạo nên chị Vùng phải sắp xếp người hợp lý, đồng thời động viên nhân viên nỗ lực thay phiên nhau vì người bệnh. Khoa Nội có tổng công suất giường bệnh chiếm hơn 2/3 bệnh viện, bên cạnh đó, 10 máy chạy thận nhân tạo cho 50 bệnh nhân đăng ký thì còn nhiều bệnh nhân đang xếp hàng chờ có máy. Vừa qua, Sở Y tế khảo sát để chuẩn bị đầu tư thêm cho bệnh viện 10 máy chạy thận nhân tạo. Dự kiến số máy này sẽ có vào cuối năm nay, góp phần giúp người bệnh trong vùng yên tâm và bớt vất vả.

Chú thích ảnh
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười Tăng Thị Tường Vân thăm khám cho bệnh nhân chạy thận.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười Chung Văn Kiều cho biết: Bệnh nhân tới đây đa số người dân có hoàn cảnh khó khăn, đều sử dụng Bảo hiểm y tế. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, tập thể cán bộ y tế phát huy hết khả năng, năng lực cơ sở vật chất, máy móc thiết bị trong khám chữa bệnh cho người dân.

Bệnh viện hiện thu hút lượng bệnh cấp cứu Nội khoa, Ngoại khoa nhiều như thai ngoài tử cung, sinh mổ bắt con, phẫu thuật tiêu hoá, cấp cứu tiêu hoá, chấn thương chỉnh hình. Sắp tới bệnh viện sẽ liên kết một số bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt là Bệnh viện Thống Nhất để triển khai những kỹ thuật chuyên môn vượt tuyến, đề xuất để bác sĩ về hỗ trợ nếu bệnh nhân có yêu cầu.

Chị Nguyễn Thị Bé Hai, xã Tân Thành, Mộc Hóa cho biết: Thi thoảng chị phải vào bệnh viên do bị tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, nhiễm trùng đường tiểu…Chị thấy đội ngũ y bác sĩ phục vụ tận tình và rất yên tâm khi khám chữa bệnh tại Bệnh viện quy mô lớn, lại gần nhà.

Thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu; rà soát và cập nhật chuẩn hoá dữ liệu khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng đề xuất trang bị thêm máy móc, giúp công tác khám chữa bệnh cho người dân ngày càng tốt hơn.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Duy, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười cho biết: Ban đầu bệnh viện chỉ được trang bị máy CT, máy siêu âm cơ bản; sau đó được đầu tư thêm máy đo loãng xương, máy siêu âm, máy siêu âm tim, máy siêu âm chuyên về sản, máy điện cơ… , giúp bệnh viện mở rộng công tác khám chữa nhiều loại bệnh hơn, bệnh nhân không phải đi khám, chữa bệnh xa.

Bên cạnh đó, Bệnh viện đã và đang gửi đào tạo nâng cao trình độ Y - Bác sĩ, nhằm phát huy hết công năng các trang thiết bị được đầu tư. Thời gian tới, bệnh viện tiếp tục phát triển các mảng như siêu âm can thiệp, chụp khúc tế bào… Bệnh viện đã thực hiện được nhiều dạng siêu âm, xử lý nhiều loại bệnh, tuy nhiên mảng can thiệp chưa phát triển, nguyên nhân do thiếu nhân sự và máy móc chưa đầy đủ.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Duy mong muốn Khoa được đầu tư 1 máy MRI (vì các thiết bị hiện nay chưa chẩn đoán được nhiều bệnh lý liên quan cột sống, bệnh lý về sọ não…) nhằm khám chữa được nhiều bệnh hơn nữa, giúp bệnh nhân trong vùng không phải đi lại xa khi chữa bệnh.

Bài và ảnh: Đức Hạnh (TTXVN)
Triển khai công tác chỉ đạo tuyến và khám chữa bệnh từ xa năm 2024
Triển khai công tác chỉ đạo tuyến và khám chữa bệnh từ xa năm 2024

Chiều 13/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị triển khai công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, khám, chữa bệnh từ xa năm 2024 và đóng góp ý kiến xây dựng Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN