Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đã hạ nhiệt nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Sau một thời gian đất nền tại TP Hồ Chí Minh đua nhau “sốt” ảo vì bị các nhà đầu tư, môi giới thổi giá nhằm trục lợi, hiện thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đã hạ nhiệt nhưng giá đất nền vẫn “neo” giá ở mức cao.

Sau khi có thông tin về việc "sốt" đất liên tục ở các quận huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp mạnh để làm hạ nhiệt giá đất nền. Theo ghi nhận của phóng viên, các “điểm nóng” của TP Hồ Chí Minh bị sốt đất ảo vừa qua là quận 9, quận 2, quận 7, quận 12… đến nay đang giảm mạnh. Tuy nhiên thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi giá giao dịch chỉ giảm nhẹ và giá đất nền vẫn đang “neo” giá ở mức cao.

Việc đầu tư vào đất nền tại TP Hồ Chí Minh hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro vì môi giới đẩy giá trục lợi.

Chi M.A, một môi giới nhà đất tại khu vực quận 9 cho biết, hiện lượng giao nhà đất khu vực quận 9 đang giảm khoảng 50% so với tháng trước nhưng giá chỉ giảm nhẹ 2-3 triệu đồng/m2. Ví dụ,  như Dự án Hoàng Anh - Minh Tuấn trên đường Đỗ Xuân Hợp được đánh giá là dự án tốt về hạ tầng, có sổ đỏ, có qui hoạch rõ ràng hiện giao dịch đã chậm hơn, chỉ có khoảng 1-2 người mua và không có người bán. So với tháng trước, có đến hàng chục người mua.


Tuy vậy, dự án trên dù ít người mua nhưng giá vẫn “đứng” ở mức cao. Hiện giao dịch của dự án này đang ở mức 41 - 42 triệu đồng/m2 đối với nền biệt thự và trên 50 triệu đồng/m2 đối với nhà phố thương mại, giảm khoảng 2-3 triệu đồng/m2 so với tháng trước song vẫn tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.


Tại khu vực Thạch Mỹ Lợi và Trung tâm hành chính quận 2, hàng loạt dự án đất nền như Huy Hoàng, Phú Nhuận, Thế Kỷ… dù được giới đầu cơ mua đi bán lại nhưng suốt chục năm nay cỏ dại vẫn mọc đầy, không hề xây cất, giá được chào bán bình quân từ 60 -70 triệu đồng/m2… và vẫn đang chờ người mua. 


Bên cạnh đất nền ngoại thành đang hạ nhiệt, bất động sản tại các quận trung tâm hiện cũng khan hàng và bị đẩy lên khá cao do cơn sốt đất nền ngoại thành tác động. Tuy giao dịch chậm nhưng giá không hề giảm nhiệt. Đơn cử một bất động sản 2 mặt hẻm đường Trần Khát Chân (quận 3) diện tích trên 180 m2, chủ nhà mới bán cách đây 2 tháng giá 28 tỷ đồng nay đã được chủ mới rao bán với giá 32 tỷ đồng. Tương tự một bất động sản nhà phố khác tại Cống Quỳnh (quận 1), thời điểm này năm 2017 chủ nhà bán 32 tỷ đồng thì nay đã được người mua sau rao bán lên 40 tỷ đồng…


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền thành phố trong công tác chỉ đạo các quận/huyện quản lý chặt tình trạng phân lô, bán nền và hiệu ứng tích cực của Quyết định 60/2017/QĐ-UBND về quy định diện tích tách thửa, tới nay các giao dịch trên thị trường đã giảm mạnh nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng. Nguyên nhân do cả người mua và người bán đều là dân đầu cơ “lướt sóng” bất động sản nên cứ người lướt sau lại tạo nên một mặt bằng giá mới, rất dễ tiềm ẩn nguy cơ “bong bóng” cho thị trường.


“Sau khi sốt giá ảo, việc giao dịch trên thị trường đất nền hạ nhiệt là tất yếu khi nhu cầu thực không có mà chỉ có giới đầu tư và đầu cơ tập trung mua đi bán lại nhằm trục lợi mới tạo nên những cơn sốt giá ảo vừa qua”, ông Châu cho biết thêm.

Người dân có thu nhập thấp chỉ mong có được căn hộ với giá trị thực tế để ổn định cuộc sống tại TP Hồ Chí Minh.

Không chỉ giá đất nền đang chững giá, việc đầu tư vào chung cư chờ “ lướt sóng” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chị H.T.G, một công chức tại TP Hồ Chí Minh cho biết, chị G. cũng vừa ngậm ngùi bán lỗ 600 triệu đồng 1 căn hộ tại khu Sky 3 - Phú Mỹ Hưng (quận 7) vì tính ra cho thuê bao năm không hiệu quả. Theo lý giải của chị H.T.G, mỗi khách hàng chỉ thuê khoảng 1-2 năm, sau đó để cho khách mới thuê chủ nhà lại phải sửa sang mới nên thà chấp nhận bán lỗ để lấy tiền làm việc khác còn hơn là đầu tư vào  các dự án chung cư. 


Giải thích về việc “lướt sóng” từ các dự án chung cư để kiếm lời của một số nhà đầu tư thứ cấp ở phân khúc chung cư hiện đã không còn lời cao như trước, ông Lê Hoàng Châu cho biết, trên thực tế từ năm 2017 tới nay việc mua đi bán lại chung cư đã không còn “hốt bạc” như các năm trước bởi người mua để ở sẽ tìm hiểu rất kỹ thông tin dự án, giá đưa ra từ chủ đầu tư... và phần đông có nhu cầu mua thực trên thị trường chủ yếu lại tập trung vào phân khúc nhà ở dưới 2 tỷ đồng (dành cho người có thu nhập trung bình). Chính vì vậy, những nhà đầu tư ôm mộng kiếm lời trong thời điểm này nếu không tỉnh táo sẽ rất dễ bị rủi ro.


Trong khi đó, theo dự báo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Hiệp Hội bất động sản Việt Nam), trong quý II năm nay TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 10.000 căn hộ được mở bán ra thị trường, tập trung vào đủ phân khúc. Điều này cho thấy nguồn cung trên thị trường khá dồi dào, không khan hiếm nên các nhà đầu tư phải cân nhắc cẩn trọng khi quyết định đầu tư dự án nhà chung cư để mong sinh lời.


Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Giá đất nền nhiều nơi tăng 'chóng mặt', Bộ Xây dựng tìm giải pháp kiềm chế
Giá đất nền nhiều nơi tăng 'chóng mặt', Bộ Xây dựng tìm giải pháp kiềm chế

Theo Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tình hình giá đất nền tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai thời gian qua có biến động với mức tăng nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN