Thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn trầm lắng

Các chuyên gia bất động sản (BĐS) nhận định, thị trường đã trải qua nửa đầu năm 2023 với hàng loạt khó khăn, thách thức như: Giao dịch suy giảm, thanh khoản thấp, thiếu nguồn cung... và bắt đầu đón những tín hiệu tích cực dần hiện hữu từ các chính sách tháo gỡ của Chính phủ.

​Nguồn cung được cải thiện

Trước những khó khăn của thị trường BĐS những tháng đầu năm 2023, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc “gỡ khó” cho thị trường. Đơn cử, Nghị định 08/NĐ-CP đã giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp; Nghị quyết 33/NQ-CP tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường trong cả ba nhóm vấn đề về pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội; Chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường.

Chú thích ảnh
Thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn trầm lắng nhờ các chính sách tháo gỡ của Chính phủ.

Rà soát của Bộ Xây dựng cho biết, đến tháng 7/2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã xử lý, giải quyết 108 văn bản phản ánh khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án BĐS trên cả nước, qua đó dần "cởi trói" cho hàng loạt dự án BĐS tồn kho, đắp chiếu, tạo nguồn cung trực tiếp cho thị trường. Đặc biệt là Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, đang từng bước khắc phục sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân đô thị.

Theo dự báo của Savills Việt Nam (Tập đoàn cung cấp các dịch vụ BĐS hàng đầu thế giới tại Việt Nam), ngoài Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội góp phần giảm áp lực thiếu nguồn cung nhà ở tại các địa phương, trong quý III, IV, thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi được thông qua, với nhiều quy định giúp các phân khúc BĐS hồi phục và người dân có thể tiếp cập vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn nửa đầu năm 2023...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn (Kênh thông tin dịch vụ BĐS số 1 Việt Nam) chia sẻ, Chính phủ đã ban hành những cập nhật thay đổi pháp lý tích cực để gỡ vướng và thúc đẩy thị trường. Trong đó, có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; quy định về lãi suất và bảo lãnh ngân hàng… tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Nhờ vậy, dòng vốn đầu tư BĐS đang dần trở lại và chu kỳ phục hồi của thị trường BĐS đang bắt đầu diễn ra.

Còn theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tới đây kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thị trường BĐS thông qua việc bổ sung các quy định tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án, tạo nguồn cung nhà ở thương mại dồi dào, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở đảm bảo cân đối cung - cầu, tránh tình trạng thị trường phát triển nóng.

Liệu thị trường đã hết trầm lắng?

Các chuyên gia BĐS đánh giá, thị trường BĐS đã rơi vào trầm lắng hơn 1 năm nay. Nhiều chủ đầu tư, chủ đất ồ ạt rao bán, giá liên tục giảm mạnh, nhưng khó tìm được khách mua. 

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, qua giai đoạn trầm lắng, giá BĐS, nhất là phân khúc có tính đầu cơ cao ở các khu vực từng xảy ra sốt đất được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với nội tại sản phẩm và tiềm năng trong khu vực. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư mua được sản phẩm với mức giá rẻ. Nhu cầu thực đối với BĐS vẫn có và những chính sách tốt hỗ trợ thị trường đã tạo ra đòn bẩy tương đối.

"Bên cạnh đó, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao. Nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu", ông Nguyễn Văn Đính nhận định.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thị trường BĐS luôn trải qua qua 4 giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ mới, gồm: Phục hồi, tăng trưởng, sốt nóng và suy thoái. Dường như Việt Nam những tháng qua đang trải qua giai đoạn trầm lắng, nhưng thị trường BĐS đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, để có thêm nhiều hoạt động đầu tư BĐS diễn ra trên thị trường, Việt Nam sẽ cần đạt mức độ minh bạch cao hơn, quy hoạch đô thị bài bản, cũng như khung pháp lý vững vàng hơn, nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Khi quá trình xem xét pháp lý được hoàn thành, thị trường kỳ vọng tăng trưởng nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu, minh bạch và hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản
Quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 23/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về hai dự án Luật là: Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN