Tại hội thảo về phát triển thị trường bất động sản Việt Nam được tổ chức ngày 27/11 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết thị trường bất động sản Việt Nam hiện còn dư địa lớn phát triển, dự báo nhu cầu nhà ở 2021-2030 tiếp tục gia tăng, nhất là tại các đô thị. Trung bình mỗi năm, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. Tuy nhiên, thị trường bất động sản, nhà ở vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa bền vững, có nguy cơ mất ổn định trong thời gian tới nên nhiều người dân vẫn chưa mua được nhà để ổn định cuộc sống. Nguyên nhân xuất phát từ các chồng chéo, phát sinh trong quy định, chính sách pháp luật nhưng chưa được bổ sung, dẫn tới việc quản lý thị trường chưa hiệu quả; các chính sách đất đai chưa nhất quán, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản còn phức tạp kéo dài...
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết hiện thị trường bất động sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ. Thứ hai, cơ cấu sản phẩm bất động sản tại một số địa phương, khu vực chưa phù hợp. Thứ ba, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Giá nhà ở tại khu vực đô thị còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế; chưa có quy định cụ thể đối với các loại hình đặc thù như bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng - lưu trú (condotel, office, resort villa), bất động sản hạ tầng, bất động sản công nghiệp.
Vì vậy, để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, ông Nguyễn Văn Sinh cho rằng, trước tiên cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế đồng bộ, thống nhất tạo điều kiện thông thoáng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường. Cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các pháp luật khác để bảo đảm đồng bộ từ khâu quy hoạch, đất đai, thuế, cơ chế tài chính, đầu tư xây dựng đến kinh doanh, quản lý vận hành các loại bất động sản.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết sở dĩ môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản chưa đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh là do có nhiều quy trình thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn khuất cơ chế “xin-cho”, nhũng nhiễu, tiêu cực… Đây cũng là nguyên nhân khiến tăng chi phí đầu tư, tăng giá nhà trên cả nước, kéo theo nhiều người dân khó tiếp cận mua nhà để ổn định cuộc sống.
Vì vậy, ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh sớm ban hành “Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại” gồm 4 bước; cần tháo gỡ vướng mắc về “thủ tục quyết định chủ trương đầu tư” cho 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp; UBND TP Hồ Chí Minh cũng cần cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở được khởi công xây dựng các công trình, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án... Đối với Chính phủ, cần sẽ xem xét ban hành một số văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường bất động sản theo Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, bền vững.
Là đơn vị đang triển khai nhiều dự án bất động sản trên cả nước, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cũng kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần cải cách phương thức xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại dự án theo hướng nhanh gọn. Ngoài ra, Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ bất cập về việc giao đất xen cài trong dự án phát triển nhà ở (đất đường đi, ao hồ, đất chưa công nhận quyền sử dụng đất) cũng như hoàn thiện khung pháp lý đối với các loại hình bất động sản mới như condotel...