Theo đó, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận thêm những tín hiệu quan tâm từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các chuyên gia dự báo, chuyển biến tích cực của thị trường sẽ được ghi nhận kể từ quý II.
Các chính sách được đón nhận và đánh giá cao đó là Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó có gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Quyết định 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"...
Mặc dù thị trường đón nhận tâm lý tích cực nhưng chưa thực sự thoát ra khỏi trạng thái trầm lắng mà phải đợi hiệu ứng vào quý II. Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét, trong quý II sẽ có nhiều hơn những văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng ngàn dự án đang “đắp chiếu" chờ đợi tham gia vào thị trường, cung cấp vào thị trường nguồn cung mới.
Lúc đó, thị trường sẽ có nhiều hơn nguồn cung sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực, nhu cầu đầu tư nhờ Chính phủ tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt, ban hành chính sách đúng và trúng vào những "điểm nghẽn", liên tục tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại...
Cùng đó, lãi suất hy vọng tiếp tục được điều chỉnh hợp lý, tiệm cận với khả năng của những người có nhu cầu thực. Có thêm hàng, dòng tiền bớt khó, doanh nghiệp thêm vốn từ các kênh huy động khác... thì thị trường sẽ chuyển biến tích cực, khởi sắc - ông Đính phân tích.
Tuy nhiên, để thị trường thật sự thoát ra được trạng thái trầm lắng, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh việc ban hành hệ thống văn bản dưới luật, có tính chất tháo gỡ "điểm nghẽn" pháp lý cho hàng ngàn dự án đầu tư phát triển đang “đắp chiếu”.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Đình Chung - Tổng giám đốc SGO Homes kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng gỡ bỏ vướng mắc pháp lý, mở rộng đối tượng được vay, hưởng ưu đãi tín dụng cho những sản phẩm có giá trị thấp, dự án mới, kể cả dự án thương mại. Đồng thời, doanh nghiệp này mong muốn được hưởng hỗ trợ về thuế như thời điểm dịch COVID-19, cho phép doanh nghiệp bất động sản được chậm thuế từ 6 tới 12 tháng.
Hiện nay, một "điểm nghẽn" cần tháo gỡ kịp thời nữa để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là phải sớm cân bằng cán cân cung cầu; trong đó có giải pháp đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch VARS Nguyễn Chí Thanh nhận định, nhà ở xã hội là phân khúc có nhu cầu cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại chưa thực sự thu hút chủ đầu tư tham gia phát triển phân khúc này, khiến nguồn cung trên thị trường không thể đáp ứng lượng lớn nhu cầu hiện tại.
Theo ông Thanh, nhà nước cần sớm sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội. Đồng thời, linh hoạt, không quy định cụ thể đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Khôi, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) đề xuất, cần quy định điều kiện về đối tượng được mua nhà ở xã hội “thoáng” hơn, có ưu đãi lãi suất hợp lý hơn với tình hình thị trường.
Với mức lãi suất áp dụng cho gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng mới đưa ra thì thang lãi suất cần giảm thêm. Tại khu vực thành thị - nơi có nhu cầu nhà ở xã hội cao nhất hiện nay, giá bán căn hộ nhà ở xã hội đã lên tới 1,5 tỷ đồng/căn. Khi sử dụng gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, lãi suất khách hàng vay mua nhà phải trả sẽ khoảng 150 triệu đồng/năm và mức này vẫn là cao so với thu nhập bình quân của đại bộ phận người dân.
"Như vậy, đối tượng được mua, trừ chi phí hàng tháng cho sinh hoạt của gia đình thì thu nhập ít nhất phải 30 triệu đồng một tháng mới đáp ứng khả năng chi trả. Chênh lệch với thu nhập được mua và lãi suất áp dụng vẫn là rất lớn" - ông Khôi phân tích.
Các chính sách đã tạo nhiều thuận lợi nhưng vẫn cần có thời gian để "ngấm". Bởi vậy, nhận định chung về kịch bản của thị trường bất động sản năm 2023, các chuyên gia cho rằng, những giải pháp tháo gỡ khó khăn chính là động lực giúp thị trường bất động sản còn nhiều triển vọng tăng trưởng trong năm 2023.
Thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh, minh bạch và chuẩn mực hơn khi bước sang quý II, quý III nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý, vướng mắc trên thị trường dần được tháo gỡ. Triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng cũng là những trợ lực tích cực cho thị trường bất động sản.