Sáng 17/10 tại Hà Nội, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã tổ chức khai giảng khóa đào tạo cho giảng viên nguồn là cán bộ lãnh đạo các phòng ban của các sở xây dựng địa phương.
Trong 3 ngày diễn ra khóa học, học viên được tiếp cận, bổ sung các kiến thức cần thiết về công tác quản lý xây dựng, đô thị như các văn bản quy phạm pháp luật mới; đô thị hóa và định hướng phát triển đô thị quốc gia; quản lý không gian và bảo tồn di sản; quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý trật tự đô thị và xây dựng; xây dựng nông thôn mới...
Sau khóa học, mỗi học viên có nhiệm vụ chuẩn bị 1 bài giảng để kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm cho công tác giảng dạy tại địa phương sau này.
Thực tế trong quá trình phát triển đô thị hiện nay, bên cạnh điểm sáng là những khu đô thị mới hiện đại được hình thành, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được nâng cao thì vẫn còn nhiều tồn tại. Việc xây dựng không phép, trái phép vẫn diễn ra; vấn đề công khai, công bố quy hoạch đã được phê duyệt nhiều nơi còn thực hiện chưa triệt để, có sai phạm; nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo làm xấu diện mạo đô thị Việt Nam...
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên chính là chất lượng nguồn nhân lực quản lý tại các địa phương còn hạn chế. Thực tế nhiều nơi bộ máy quản lý của chính quyền đô thị các cấp còn kém hiệu quả, tình trạng buông lỏng quản lý đầu tư xây dựng vẫn xảy ra.
Định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đòi hỏi đội ngũ công chức lãnh đạo chuyên môn các cấp phải tinh thông nghiệp vụ, có năng lực quản lý xây dựng và đô thị.
Để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững trong xây dựng và phát trển đô thị, ngày 25/10/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1961/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp (Đề án 1961). Sau 5 năm thực hiện, trên cơ sở tổng kết, đánh giá những mặt được cũng như chưa được của Đề án và nhu cầu thực tiễn, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2020, mở rộng các đối tượng đào tạo của Đề án và đã được Chính phủ cho phép thực hiện.
Đến nay, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã tổ chức được hơn 250 khóa đào tạo bồi dưỡng; bổ sung cập nhật kiến thức cho gần 10.000 lượt cán bộ công chức trên cả nước. Trong đó, một số lớp đã thí điểm áp dụng lồng ghép mô hình đào tạo của Ngân hàng Thế giới và phương pháp giảng dạy tích cực.