Gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30 nghìn tỷ đồng triển khai từ tháng 6/2013 giúp người thu nhập thấp đô thị cải thiện chỗ ở. Gói hỗ trợ này cũng giúp "hâm nóng" thị trường bất động sản, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa. Tuy nhiên, thời điểm kết thúc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sắp đến gần cũng là lúc một số ngân hàng ra thông báo về việc áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016 khiến người dân bất ngờ và lo lắng.
Anh Nguyễn Thanh Xuân (Tây Hồ) mua dự án nhà ở xã hội Đồng Mô (Đại Kim, Hoàng Mai) quá bất ngờ trước thông tin phần dư nợ vay của gia đình được giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ chịu áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường. Bởi khi vay, anh không nắm được thông tin các khoản giải ngân mua nhà ở xã hội sau ngày "chốt sổ" sẽ phải chịu mức lãi suất mới.
Một góc dự án nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá, huyện Gia Lâm (giai đoạn 2). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Mua căn hộ 68,9 m2 trị giá hơn 1 tỷ đồng, anh Xuân được vay 600 triệu đồng từ gói vay ưu đãi này thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và mới giải ngân đợt 1 được 151 triệu. Đợt tiếp theo dự kiến trong tháng 4 tới cũng khoảng 151 triệu. Các đợt giải ngân tiếp theo phải chờ tiến độ thi công tòa nhà. Điều này đồng nghĩa với việc sau thời điểm 1/6/2016, các khoản vay để giải ngân mua căn hộ của gia đình anh sẽ không được hưởng lãi suất 5% mà thay vào đó là lãi suất trả theo thỏa thuận với ngân hàng cao hơn rất nhiều. Đi thuê nhà mỗi tháng 3 triệu, nuôi 2 đứa con với mức thu nhập chỉ hơn 10 triệu, vợ chồng anh rất khó khăn nếu phải vay thương mại với số tiền hàng trăm triệu đồng cho các đợt giải ngân sắp tới. Gánh nặng kinh tế tế gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng chồng chất - anh Xuân chia sẻ thêm.
Trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều người mua nhà ở xã hội cũng đang trong tình cảnh bất ngờ, hoang mang, lo lắng khi không được hưởng lãi suất ưu đãi trong suốt quá trình vay. Chị Nguyễn Thị Vân (Bắc Từ Liêm), người mua nhà ở xã hội tại dự án Ecohome 2 cho biết, trong các bản hợp đồng kí kết giữa người vay với ngân hàng chỉ có một điều mục rất nhỏ trong cả tập hợp đồng dày cả quyển thông báo lãi suất của khách hàng được ưu đãi trong gói 30 nghìn tỷ đồng sẽ căn cứ vào thời điểm giải ngân khoản vay chứ không phải ngày ký hợp đồng. Thậm chí, tại một số ngân hàng, nhân viên đã "phớt lờ" việc này khi người dân bắt đầu làm thủ tục vay mua nhà.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, Ngân hàng Nhà nước nên có điều chỉnh lập tức để tất cả hợp đồng tín dụng được hưởng trọn vẹn ưu đãi bởi nhiều khách hàng đang rơi vào "bẫy" lãi suất bởi kế hoạch tài chính thay đổi khi lãi vọt lên cao.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cao Thành Trung (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên nới "phao" hỗ trợ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng để người mua nhà ở xã hội "dễ thở", có được căn nhà như mơ ước. Đặc biệt, các trường hợp đã ký vay trước thời điểm 1/6/2016 cần phải được giải ngân hết theo lãi suất ưu đãi để đảm bảo sự công bằng cho người dân.
Theo một cán bộ Ngân hàng Công Thương Việt Nam Chi nhánh Nam Thăng Long, một số chủ đầu tư đang có động thái tư vấn và kêu gọi khách hàng ký phụ lục hợp đồng thanh toán trước thời hạn kết thúc giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, khách hàng sẽ trả tối đa 70% số tiền mua căn hộ trước thời điểm 1/6/2016 cho chủ đầu tư thông qua ngân hàng, bất kể tiến độ dự án đang thực hiện đến giai đoạn nào. Như vậy người dân vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi.
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội cho biết, hiện số tiền các ngân hàng đã cam kết cho chủ đầu tư và người mua nhà vay trong gói 30.000 tỷ đồng trên địa bàn thành phố là hơn 13.000 tỷ đồng. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội với 5 dự án đã đi vào vào sử dụng, đạt 3.504 căn hộ. Những căn hộ thuộc các dự án này đã được chủ đầu tư bàn giao cho các hộ gia đình vào ở ngay khi hoàn thành, góp phần đảm bảo đời sống dân sinh, cải thiện thị trường bất động sản thành phố Hà Nội.