Nhiều điểm mới về đất đai thực hiện ngay từ 1/7

Ngày 1/7 tới, Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành một số Nghị định, thông tư quy định việc thực hiện Luật Đất đai nhằm đưa Luật thật sự đi vào cuộc sống. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Chính (ảnh), Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT).

 

Thưa ông, từ ngày 1/7, Luật Đất đai (sửa đổi) và các nghị định hướng dẫn sẽ có hiệu lực, Tổng cục Quản lý đất đai đã có những chuẩn bị gì cho việc này?


Ngay khi Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đã gấp rút xây dựng, lấy ý kiến và trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định: Nghị định số 43, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 47, về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Nghị định số 44, quy định về định giá đất và bảng giá đất. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ 2 Nghị định: Nghị định thu tiền sử dụng đất và Nghị định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Cùng với đó, Bộ TN&MT đã ban hành 6 thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện. Các Nghị định, thông tư này đều đã được thông qua và có hiệu lực từ 1/7, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi). Hiện còn một số nghị định và thông tư nữa cũng đang gấp rút hoàn thành và sẽ sớm được ban hành. Có thể khẳng định, đây là lần đầu tiên khi thi hành Luật Đất đai, thì các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đồng thời có hiệu lực thi hành.


Đồng thời, Bộ TN&MT tiến hành phổ biến Luật Đất đai cũng như các Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành đến các địa phương và người dân như: Mở các lớp tập huấn cho các báo cáo viên tại 2 miền Nam - Bắc; cử các cán bộ đến địa phương tập huấn trực tiếp cho các cán bộ từ tỉnh đến cấp xã, phường.


So với trước, Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá có nhiều điểm mới, những điểm mới này sẽ có những ảnh hưởng như thế nào đến với người dân cũng như doanh nghiệp, thưa ông?


Luật Đất đai (sửa đổi) cùng các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành có nhiều điểm mới, dựa trên quan điểm: Tạo mọi thuận lợi cho người dân như nâng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, từ 20 năm lên 50 năm; quy định rõ ràng các quyền, vấn đề bồi thường hỗ trợ... Quyền của người sử dụng đất sẽ được tăng cường. Đặc biệt, người sử dụng đất ở đây không chỉ là hộ cá nhân mà kể cả các doanh nghiệp và Luật lần này đã tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong việc sử dụng đất.


Đồng thời, luật cũng siết chặt khâu quản lý, làm cho việc sử dụng đất hiệu quả hơn, giới hạn quyền giao đất, các trường hợp được phân lô bán nền, hạn chế việc được cho thuê, sử dụng đất mà không sử dụng, để đất hoang hóa hoặc ôm dự án, chạy dự án để bán... Do đó, yêu cầu các chủ đầu tư bất động sản phải thực chất hơn, có đủ tiềm lực, kinh nghiệm thì mới có thể triển khai dự án.


Đối với các dự án treo, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như các nghị định đưa ra các biện pháp để xử lý. Ví dụ như doanh nghiệp (DN) mà lấy đất rừng làm dự án đầu tư phải xin phép Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh. Thứ nữa, DN phải có trách nhiệm bù lại diện tích đất lúa, đất rừng đã chuyển sang mục đích khác. Luật đất đai (sửa đổi) quy định nghiêm minh hơn trong xử phạt và cũng có “độ mở” nhất định đối với các dự án treo để DN có thể sắp xếp, đưa đất vào sử dụng. Khác với Luật cũ quy định, nếu DN không sử dụng đất trong 12 tháng liền hoặc chậm tiến độ 24 tháng mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, thì nhà nước thu hồi và xem xét trả lại giá trị đã đầu tư... Luật Đất đai (sửa đổi) gia hạn thêm cho DN 24 tháng, nếu DN không thực hiện được dự án thì sẽ thu hồi và không có bồi thường.

 

Trong số các nghị định đã ban hành, Nghị định số 43, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá là có nhiều điểm mới tích cực. Ông có thể cho biết chi tiết về Nghị định 43?


Nghị định 43 có nhiều điểm mới, bảo đảm lợi ích cho người sử dụng đất.


Thứ nhất, Nghị định quy định quản lý theo cơ chế một cửa. Trước đây chúng ta quy định văn phòng ở hai cấp là cấp tỉnh và cấp huyện, thì nay chỉ còn một văn phòng cấp tỉnh và có các chi nhánh địa phương, giúp thống nhất cơ sở dữ liệu đất đai một cấp, không có sự phân tán, thực hiện tốt hơn về quản lý. Trung tâm phát triển quỹ đất cũng quy định thành một nhánh là cấp tỉnh để tập trung khai thác quỹ đất theo kế hoạch chung của tỉnh, giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch.


Thứ hai, có nhiều quy định mới về quy hoạch sử dụng đất như mọi quyết định giao đất, cho thuê đất đều phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện. Danh mục các công trình thu hồi đất phải do HĐND cấp tỉnh phê duyệt, như vậy sẽ hạn chế trường hợp thu hồi đất.


Thứ ba, giới hạn lại điều kiện của các chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải có các điều kiện chấp hành pháp luật, điều kiện về ký quỹ, năng lực tài chính... mới được phép thực hiện các dự án phát triển xã hội tiếp theo. Nếu chủ đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất, nhưng những dự án đó chưa triển khai, vẫn để đất bỏ hoang, thì sẽ không được giao thêm đất mới.


Thứ tư, về hình thức thủ tục, Nghị định bổ sung các quy định về hình thức đăng ký điện tử để làm cơ sở pháp lý cho thực hiện trong điều kiện công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển; giải quyết rốt ráo việc cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất.

 

Nghị định 43 quy định cấp sổ đỏ cho đất dưới 30 m2, điều này khiến nhiều người lo ngại làm xuất hiện nhà siêu mỏng, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?


Nghị định 43 mở ra quy định cấp giấy tờ nhà đất cho các trường hợp có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu. Theo đó, thửa đất đang sử dụng nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh (nhỏ hơn 30 m2) không tranh chấp, có đủ điều kiện, sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.


Theo tôi quy định này là phù hợp với thực tế, sẽ giúp giải quyết những tồn tại từ trước đến nay. Bởi những hộ gia đình sử dụng đất nhà ở, công trình xây dựng khác, dù là 25 m2 nhưng có trước khi có quyết định của Nhà nước thì vẫn phải cấp giấy chứng nhận cho họ. Tuy nhiên chúng ta cũng cần có quy định cụ thể về thời điểm tách thửa... tránh sự lợi dụng, làm sai quy định.


Xin trân trọng cảm ơn ông!


Thu Trang (thực hiện)

Chiến lược phát triển thị trường bất động sản
Chiến lược phát triển thị trường bất động sản

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, đề nghị phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bất động sản (BĐS). Theo chiến lược này, đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đạt 25 m2 sàn/người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN